Chính phủ Pờlêven mới lập được 5 tháng, hôm 7-1-1952 lại đổ. Vì sao? Vì bọn thống trị Pháp theo phe Mỹ, nghe lời Mỹ, đưa nước Pháp vào tình trạng ngày càng khó khăn. Những khó khăn chính là: tăng cường binh bị ở Pháp, và chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

Về quốc phòng, Pháp hiện đang mắc vào hoàn cảnh thế này: Mỹ đang ra sức vũ trang cho Tây Đức và Tây Ban Nha phát xít là hai nước láng giềng của Pháp; về mặt bể thì Mỹ nắm cả Đại Tây Dương; hầu khắp nước Pháp và thuộc địa Pháp ở Bắc Phi, Mỹ đặt nhiều căn cứ quân sự. Nghĩa là Pháp hầu như nằm trong bàn tay sắt của Mỹ. Do đó, chính trị và kinh tế Pháp cũng nằm trong tay Mỹ.

Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, Pháp bị tàn phá rất nặng, kinh tế chưa kịp khôi phục. Nay Mỹ bắt buộc Pháp phải tăng binh bị. Phí tổn về khoản này mỗi ngày mỗi tăng: năm 1950 là 420 ngàn triệu phrăng; năm 1951 là 950 ngàn triệu; năm 1952 là …..500 ngàn triệu. Phí tổn binh bị tăng nhiều và mau như thế, tai hại cho dân Pháp thế nào, xem vài con số sau đây thì đủ rõ: năm 1947, có 1.578 xí nghiệp Pháp phá sản; năm 1950, hơn 6.000 và năm 1951, 7.000 xí nghiệp phá sản. Đồng thời, thuế má ngày càng nặng thêm: cuối năm 1951, cứ mỗi kg thịt, người Pháp phải trả 48 phrăng tiền thuế, mỗi gói thuốc lá trả 55 phrăng, mỗi đôi giày trả 600 phrăng; năm nay, thuế lại tăng thêm 270 ngàn triệu nữa.

Còn chiến tranh ở Việt Nam, tính đến tháng 12-1951, Pháp đã mất 17 vạn binh sĩ chết, bị thương và bị bắt. Đó là chưa kể từ ngày đánh ra Hòa Bình đến nay, chúng bị ta tiêu diệt thêm 12.000 nữa. Còn phí tổn thì: năm 1950 là 115 ngàn triệu phrăng; năm 1951 là 330 ngàn triệu; năm 1952 là 500 ngàn triệu.

Pháp trông mong vào Mỹ, và một phần vào Anh. Song Mỹ đang bị sa lầy ở Triều Tiên, Anh đang bị mắc kẹt ở Mã Lai. Tháng ….. năm ngoái, Tátxinhi sang cầu cạnh Mỹ, không được gì mấy. Đầu tháng 1 năm nay, tướng Gioăng lại sang xin xỏ Mỹ. Hãng thông tấn Mỹ ngày 13-1-1952 đăng tin rằng: Tướng Gioăng gặp các tướng lĩnh Mỹ và Anh, kết quả không có gì chắc chắn… ….tướng Gioăng mong bộ đội Mỹ tăng quân cho Đông Dương, thì ông ta sẽ thất vọng… Tướng Gioăng đề nghị một kế hoạch hợp tác quân sự giữa Anh, Mỹ, Pháp ở Viễn Đông, cũng bị Mỹ và Anh cự tuyệt”. Báo Mỹ Xítcờríp (Scripp) viết: “Quân Pháp có những đội lê dương tinh nhuệ đánh nhau với Việt Nam đã mấy năm nay, nhưng không có thành tích gì đáng kể… Mỹ giúp Pháp vũ trang, song nếu Pháp lại muốn bộ đội Mỹ thay thế cho bộ đội Pháp thì quá đáng”.

Chiến tranh ở Việt Nam đã làm cho Pháp chết rất nhiều người, tốn rất nhiều của, mà cứ thất bại. Quan thầy Mỹ lại giúp Pháp một cách “cầm chìa”. Nên bọn phản động và báo phản động Pháp trước đây đánh trống thổi kèn “Pháp nhất định thắng”, thì nay đều đổi giọng, và tỏ vẻ rất bi quan. Cựu Thủ tướng Đalađiê (năm 1939, đã thỏa hiệp với Hítle, đã cấm Đảng Cộng sản Pháp), viết trong báo phản động Không khoan nhượng (Intransigeant) ngày 22-11-1951: “Nếu ta tìm những nguồn gốc của nguy cơ tài chính Pháp, thì ta liền thấy rằng, nguồn gốc to nhất là chính sách vụng về của Pháp ở Đông Dương, là phái một đội viễn chinh đến một nơi cách nước Pháp 12.000 cây số, là nó nuốt hết 1 phần 3 cán bộ quân sự và hầu hết cán bộ chuyên môn của Pháp. Do đó, Pháp không thể tổ chức một quân đội ra trò để giữ gìn nước Pháp và châu Phi. Năm 1951, phí tổn quân sự Pháp ở Việt Nam lên đến 330 ngàn triệu... Năm 1952, phải tăng thêm độ 100 ngàn triệu nữa... Chúng ta thấy rằng chiến tranh ở Việt Nam ảnh hưởng rất tai hại đến tài chính và quân sự của Pháp. Người ta không thể hy vọng một kết quả thắng lợi và mau chóng trong một cuộc chiến tranh kéo dài đã hơn 5 năm, nó rất giống cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha và ở Mễ Tây Cơ ngày trước”. (Chú thích: trong hai cuộc chiến tranh ấy, Pháp đều thất bại). Đầu tháng giêng năm nay, trước Quốc hội Pháp, Đalađiê nhắc lại những điều tương tự, và nói thêm về khó khăn của Pháp ở châu Phi: “Tương lai của nước Pháp là ở châu Phi; chúng ta làm thế nào để dẹp những cuộc quấy rối khá trầm trọng ở đó trong khi phần cốt yếu lực lượng của chúng ta ở cách ta 12.000 cây số?”.

Hôm 13-12, báo Không khoan nhượng lại viết: “Sự thật phũ phàng là: Pháp đã bị tê liệt vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Khả năng hành động của Pháp dần dần mất hết, vì lực lượng chính của Pháp đã sa lầy ở những đồng ruộng Bắc Bộ. Năm 1951, phí tổn chiến tranh ở Việt Nam trước định là 250 ngàn triệu, song đã tiêu hết 330 ngàn triệu. Năm 1952, định 380 ngàn triệu, song sự thật là 500 ngàn triệu. Trước đây khi Tátxinhi đòi thêm viện binh, thì tướng Gioăng nói: “Chẳng những không thể thêm viện binh, và nếu một số cán bộ quân sự hiện ở Việt Nam không trở về Pháp, thì tôi sẽ không phụ trách tổ chức quân đội Pháp ở châu Âu, vì số cán bộ quân sự ở Việt Nam đủ cho 10 sư đoàn ở Pháp”. Tướng Guyôm (Guillaune) cũng nói: “Cán bộ quân sự Pháp sang Việt Nam gần hết, tôi không có cán bộ để tổ chức quân đội châu Phi”. Nói tóm lại: Pháp đã sa lầy ở Việt Nam.

Báo Du kích (phản động) ngày 16-12-1951 viết: “Người ta nói: từ mùa xuân năm ngoái, bộ đội của Võ Nguyên Giáp đã mất hết tinh thần rồi, đã bị đánh tan rồi. Thế mà ngày nay bộ đội ấy đang tấn công gần Hà Nội. Những người Pháp biết rõ Việt Nam bảo rằng hỏa lực của bộ đội Việt Minh tăng rất mạnh. 5 vạn quân Việt Minh tinh nhuệ, cộng với bộ đội địa phương và dân quân du kích quen chiến đấu đã 6 năm nay, điều đó khiến người Pháp bi quan. Càng ngày càng thấy rõ rằng: Chính sách của Pháp ở Việt Nam đã phá sản… Ngày nay, càng thấy rõ sự thất bại hoàn toàn”.

Báo Rạng đông (phản động) ngày 17-1-1952 viết: “Nước Pháp không thể vừa tăng binh bị mặt Đại Tây Dương, vừa phái bộ đội tinh nhuệ nhất của mình sang Việt Nam… Nếu Mỹ (và Anh) không giúp Pháp nữa, thì Pháp chỉ có một cách là đàm phán với cụ Hồ Chí Minh, và chuồn”.

Xem đó đủ thấy thực dân Pháp rất lúng túng, lực lượng Pháp đã kiệt quệ. Tình hình ấy rất lợi cho ta. Song chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ lời Hồ Chủ tịch: “Địch càng gần ngày thất bại, chúng càng hung dữ. Ta càng gần ngày thắng lợi, càng gặp nhiều khó khăn. Quân và dân ta tuyệt đối chớ chủ quan, khinh địch. Trái lại, ta phải cố gắng hơn nữa, đánh mạnh và đánh dẻo dai hơn nữa để tiêu diệt sinh lực của địch nhiều hơn nữa, cho đến ngày ta tranh được thắng lợi hoàn toàn”.

C.B.

-----------

Báo Nhân Dân, số 44, ngày 7-2-1952, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.