Tập san Phòng thương mại Sài Gòn (2-5-1958) cho chúng ta biết rõ về tình hình kinh tế miền Nam:

“Để giúp đỡ các vị công thương gia trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay...”, tập san ấy thuật lại những lời nói và việc làm trước sau không như một của chính quyền miền Nam.

Ngày 7-9-1955, Tổng Ngô tuyên bố: “Chương trình kinh tế của Chính phủ trong năm nay nhằm... canh tân nền kinh tế quốc gia để nâng cao mức sống của toàn thể nhân dân”.

Ngày 17-9-1955, Tổng Ngô nói: “Có người lo rằng các nhà doanh nghiệp Việt Nam không đủ kinh nghiệm để thay thế ngoại kiều trong những ngành ngân hàng, ngoại thương, v.v.. Tôi không nghĩ như thế, tôi tin chắc rằng đồng bào có thừa khả năng về kinh tế... Muốn kiện toàn nền độc lập của nước ta, ta phải dần dần giành lại chủ quyền kinh tế...”. Nhưng:

- Ngày 7-10-1957, Bộ trưởng Bộ kinh tế miền Nam nêu lên “tình hình kinh doanh xứ mình cần phải được chấn chỉnh lại... Nếu tình hình kinh tế không được ổn định, lần lượt sẽ còn nhiều người ít vốn chết nữa” (Báo Tin điện).

- Ngày 7-10-1957, Tổng Ngô lại nói: “Sự thiếu kinh nghiệm của đồng bào trong việc nhập cảng khiến cho thị trường nhập cảng bị phân chia vụn vặt, không thích hợp với nhu cầu tiếp tế điều hòa...”.

Còn về “chủ quyền kinh tế” thì trong một phiên họp ở Hoa Thịnh Đốn của các nhà tư bản Mỹ (1-3-1958), đại biểu miền Nam đã tuyên bố rằng: “Chính quyền miền Nam cho vấn đề đầu tư vốn ngoại quốc là điều ta hết sức mong mỏi, chứ không hề coi đó là một mối hại phải cam chịu... Nhà tư bản ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam sẽ gặp một vùng còn hoang vắng, không có một sức cạnh tranh nào...”.

Cùng ngày 7-10-1957, Tổng Ngô nói: “Chúng ta đã ra khỏi kinh tế thời chiến để tiến dần đến kinh tế thời bình...”.

Nhưng báo Chấn hưng kinh tế ở Sài Gòn (27-2-1958) viết:

“1- Nền kinh tế Việt Nam về phương diện ngoại thương vẫn còn ở trong giai đoạn chiến tranh... Nhập khẩu vẫn còn hơn xuất khẩu quá nhiều.

2- Trong một nền kinh tế chiến tranh, bất đắc dĩ phải nhập nhiều hơn xuất, nhưng chỉ được nhập những hàng thật cần thiết. Đằng này ta nhập khẩu quá nhiều, mà phần lớn là những hàng tiêu thụ, đôi khi lại là xa xỉ phẩm”.

Ngày 10-4-1958, bốn vị linh mục và 51 vị chủ nhà máy và hợp tác xã vải, sợi đã gửi cho Bộ Kinh tế miền Nam một bức thư, trong đó có câu:

“Hai phần ba các xưởng kỹ nghệ đã đóng cửa và ba phần tư các nhà tiểu công nghệ đã ngừng hoạt động, hàng triệu thước hàng còn chồng chất không nơi tiêu thụ, hàng nghìn gia đình rơi vào cảnh thất nghiệp... Hiện nay hàng vải nhập cảng đang ối đọng, có thể đủ cho dân chúng dùng trong một thời gian khá lâu nữa, trong lúc hàng mới tiếp tục cập bến và hàng nội hóa không bán được đang chất thành núi, giữa lúc sức mua của quần chúng một ngày một sa sút. Nếu không có một sự kiên quyết hạn chế số hàng nhập cảng... thì không những các nhà nhập cảng hàng vải bị lung lay, mà các nhà dệt trong nước đều phá sản hết”.

Trong lúc các nhà công thương ngành dệt đang lâm vào hoàn cảnh bế tắc như thế, thì chính quyền miền Nam “nhận một kế hoạch của phái đoàn một công ty Mỹ, phần lớn nhằm vào ngành dệt. Tình hình ngành dệt và buôn vải ở nước ta mặc dù đang gặp lúc suy vi, nhưng phái đoàn này nhận định rằng: Với một số lớn vốn ngoại quốc, sẽ xây dựng được những xưởng dệt lớn, có khả năng sản xuất tốt và nhiều hơn, và như thế sẽ thu được nhiều huê lợi lớn sau khi dẹp bớt những xưởng nhỏ”.

Xem những điều trên đây, thì rõ ràng là “kinh tế dân chủ và độc lập” ở miền Nam đều là cái bánh vẽ. Sự thật thì kinh tế miền Nam đã bị tư bản Mỹ lũng đoạn gần hết và chúng đang tìm mọi cách để bóp nghẹt các nhà công thương miền Nam.

L.T.
------------------------------
- Báo Nhân Dân, số 1524, ngày 15-5-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.411-413.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.