Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ đang đẩy kinh tế miền Nam đến chỗ đường cùng.

Về tài chính - Phigarô là một tờ báo phản động Pháp, thân Mỹ, thân Diệm. Hôm 5-11, Phigarô viết:

“Các chuyên gia Mỹ cho rằng ở Nam Việt tình hình bấp bênh và đáng lo… Tiền chính phủ Diệm để ở nhà băng Đông Pháp đã hết sạch. Năm nay, nhập khẩu (mua của nước ngoài) đến 300 triệu đôla, mà xuất khẩu (bán ra nước ngoài) chỉ có 50 triệu. Từ tháng 7-1954 đến tháng 7-1955, Mỹ cho Diệm vay 320 triệu đôla, nhưng thật sự thì hơn 223 triệu là bằng súng đạn Mỹ… Mỹ đang lo không biết tình hình ấy sẽ kéo đến bao giờ.

Về nông nghiệp - Hãng thông tin của Diệm cho biết rằng: So với mấy năm trước, thì năm 1954 ở miền Nam diện tích trồng lúa đã kém sút 159 vạn mẫu tây. Diện tích trồng chè kém sút 2.000 mẫu tây (1 phần 3 tổng số). Diện tích trồng mía kém sút 1 vạn 8.100 mẫu tây (gần 2 phần 3 tổng số).

Về lương thực - Xưa nay, Nam Bộ là một vựa lúa nổi tiếng. Thế mà ngày nay Nam Bộ thiếu gạo ăn. Hãng thông tin Pháp AFP (17-10) viết:

“Sài Gòn - Chợ Lớn ngày càng khan gạo. Ở nhiều phố, gạo đã mất tích. Hôm nay, chính phủ Diệm cho phép mỗi người mua 3 kilô, giá mỗi kilô là 5 đồng 85 xu bạc Đông Dương; nhưng chỉ những người có giấy kiểm tra mới được mua. Ở chợ đen, giá mỗi kilô hơn 10 đồng. (Vài tháng trước, mỗi kilô giá 4 đồng)”. Tình trạng kinh tế khốn quẫn ấy làm cho đời sống nhân dân miền Nam rất lao đao, cực khổ.

Càng thương xót đồng bào miền Nam, chúng ta càng phải cố gắng thi đua, củng cố miền Bắc, để giúp đỡ đồng bào miền Nam đấu tranh, và để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.

C.B.

------------

Báo Nhân Dân, số 621, ngày 14-11-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.