Trung tuần tháng 8, hơn 4 triệu công nhân và công chức Pháp đã bãi công. Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, ở Pháp chưa hề có phong trào bãi công nào to như vậy. Các đường xe lửa, các hãng xe hơi, các trường bay, các nhà máy, các lò điện, các nhà băng, các sở dây nói, dây thép, các mỏ than, v.v. đều bãi công...

Nói tóm lại: Đời sống ở Pháp hầu như đình đốn hết. Mục đích của phong trào bãi công là:

- Chống Chính phủ phản động muốn dùng quyền đặc biệt để kìm hãm công nhân.

- Đòi tăng lương bổng, vì giá sinh hoạt quá đắt đỏ.

Chiến tranh xâm lược ở Việt Nam có ảnh hưởng đến phong trào này: vì, mỗi năm, Chính phủ phản động Pháp tiêu tốn vào chiến tranh đó hơn 5 triệu triệu phrăng, tức là nhân dân Pháp phải đóng thêm 5 triệu triệu phrăng thuế. Thuế khóa nặng nề, thì ăn uống đắt đỏ, công nhân công chức thêm cực khổ thiếu thốn.

Vì lẽ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân lao động Pháp hăng hái chống chiến tranh ở Việt Nam. Ngày nay, phong trào chống chiến tranh đã lôi cuốn một bộ phận giai cấp tư sản Pháp và hầu hết tầng lớp trí thức Pháp.

Hôm 20-7-1953, Đại hội toàn quốc gồm đại biểu của 1.580 giáo viên Pháp đã thông qua một quyết nghị đòi Chính phủ Pháp “đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh. Và không để cho học sinh bị ảnh hưởng của những luận điệu tuyên truyền tiếp tục chiến tranh ở Việt Nam”.

Nhân dân Pháp, nhất là nhân dân lao động, ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta. Ta đánh càng mạnh, thắng càng nhiều, thì phong trào nhân dân Pháp càng lên cao, bọn phản động Pháp càng bị cô lập. Ta đánh cho thực dân Pháp và can thiệp Mỹ qụy hẳn đi, thì nhân dân ta và nhân dân Pháp sẽ có dịp bắt tay nhau, cùng nhau giữ gìn hòa bình thế giới.

C.B.

-----------

- Báo Nhân Dân, số 131, từ ngày 21 đến ngày 25-8-1953, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.213-214.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.