Thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ, bộ đội ta tập kết ra miền Bắc. Từ ngày đó, tình hình miền Nam lung tung beng. Một bên là bọn Ngô Đình Diệm, do đế quốc Mỹ trắng trợn đỡ đầu. Một bên là các nhóm Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài, do thực dân Pháp ngấm ngầm xui giục. Từ đầu tháng 3, hai phe bắt đầu đánh nhau ở các tỉnh Long Xuyên, Sóc Trăng, Rạch Giá, Mỹ Tho... Đến cuối tháng 3, họ choảng nhau ngay ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn: Hàng trăm dân chết và bị thương, hàng chục nhà cháy và hư hỏng. Giá lương thực tăng lên gấp hai, gấp ba trong một hôm. Nhân dân không được đi lại ngoài phố từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Mấy chục tiểu đoàn lính của hai phe đào hào đắp ụ, chuẩn bị đánh nhau ngay giữa thành phố. Nhân dân nơm nớp lo sợ, vì tính mạng tài sản rất bấp bênh. Đồng bào Công giáo “di cư” vào Nam, trước đã cực khổ nay càng thêm cực khổ, chết đói và chết bệnh rất nhiều.

Xanh kia thăm thẳm từng trên,

Vì ai gây dựng mà nên nỗi này?.

Vì đế quốc Mỹ và bè lũ. Chúng âm mưu trường kỳ chia rẽ nước ta, âm mưu dùng miền Nam làm căn cứ quân sự Mỹ, âm mưu dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam.

Nhưng âm mưu Mỹ và bè lũ đang đi đến chỗ thất bại. Chính báo chí phản động Mỹ cũng thừa nhận điều đó. Báo Diễn đàn New York viết: “Cuộc thí nghiệm dùng Ngô Đình Diệm đã thất bại... Pháp thì phá hoại ngầm, các phe tôn giáo thì tức giận Côlin (đặc sứ Mỹ)... Mỹ và Pháp lục đục tợn. Mỹ thì bảo Diệm kiên quyết đánh phe kia. Pháp thì bảo Diệm nhượng bộ... Tình hình rối loạn ấy có thể kéo dài...”.

Có thể kéo dài cho đến khi đồng bào miền Nam, với sự ủng hộ của đồng bào cả nước, nổi dậy đấu tranh tự giải quyết lấy vận mệnh của mình, bằng cách giành cho kỳ được hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 405, ngày 11-4-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.402-403.


Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.