Đức là một nước to (số người 63 triệu) ở giữa châu Âu. Tình hình Đức rất quan hệ đến toàn thế giới.

Hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, nhờ quân đội Liên Xô chiến đấu anh dũng mà phát xít Đức tan tành. Miền Đông Đức do quân đội Liên Xô chiếm đóng. Liên Xô đã giúp nhân dân Đông Đức cải cách ruộng đất, phát triển kinh tế theo dân chủ mới, tổ chức Chính phủ cộng hòa dân chủ ở Đông Đức, đi tới thống nhất toàn nước Đức. Miền Tây Đức bị quân đội đế quốc Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng. Chúng giúp bọn phản động Tây Đức đưa dân vùng này vào chế độ phát xít.

Mục đích phe Mỹ là dùng Tây Đức làm căn cứ quân sự để tấn công Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu. Vừa rồi, chúng đã ký với Chính phủ bù nhìn Tây Đức một hiệp định, gọi là hiệp định Bon (Bonn - thủ đô Tây Đức), để chính thức đưa Tây Đức vào khối Bắc Đại Tây Dương, tức là khối gây chiến của Mỹ; và giúp bọn phát xít Tây Đức tổ chức lại quân đội, gồm có: 6 sư đoàn bộ binh, mỗi sư có 200 xe tăng; 6 sư đoàn cơ giới, mỗi sư có 330 xe tăng; 1 đại đoàn máy bay với 1.800 chiếc. Quân đội này sẽ có 35 vạn binh sĩ do các tướng tá phát xít Đức cũ chỉ huy và do Mỹ điều khiển.

Mưu mô gây chiến của Mỹ đã rõ ràng. Nó trực tiếp uy hiếp Đông Đức dân chủ và các nước xung quanh. Nó có thể đưa đến chiến tranh thế giới thứ ba. Vì vậy, nhân dân Đức và nhân dân thế giới kịch liệt phản đối hiệp định Bon.

Chính phủ, Quốc hội và nhân dân ở Đông Đức cùng nhân dân ở Tây Đức yêu cầu Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp:

- Mở ngay hội nghị 4 nước để giải quyết vấn đề Đức và ký hòa ước với Đức.

- Để nhân dân toàn Đức được quyền tổ chức một cuộc tổng tuyển cử chung, bầu ra một Chính phủ chung cho toàn Đức, xây dựng một nước Đức độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình.

- Rút quân đội chiếm đóng khỏi nước Đức.

Liên Xô nhiệt liệt tán thành ý nguyện của nhân dân Đức.

Phe Mỹ không tán thành, mà lại vội vàng củng cố thế lực phát xít ở Tây Đức.

Nhân dân Đông Đức sôi nổi chống chính sách gây chiến của Mỹ và bù nhìn, và chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với chúng.

Tây Đức, mặc dầu Mỹ và bù nhìn thẳng tay khủng bố, nhân dân vẫn ráo riết phản đối chúng. Vừa rồi, 14 thủ tướng của các tiểu bang (Tây Đức chia làm nhiều tiểu bang, mỗi bang có Chính phủ riêng của nó) cũng lên tiếng phản đối. Do đó, đủ thấy rằng toàn dân Đức cực lực chống kế hoạch vũ trang Tây Đức và mưu mô gây chiến của Mỹ.

Hôm 14-6, ở thủ đô nước Đan Mạch, có cuộc hội nghị quốc tế đòi giải quyết vấn đề Đức theo ý nguyện của nhân dân Đức. Hội nghị này gồm có đại biểu 9 nước: Anh, Pháp, Ý, v.v.. Mỹ xui Chính phủ Đan Mạch không cho đại biểu của Đông và Tây Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc và Áo đến Đan Mạch họp hội nghị. Những đại biểu đó liền cùng nhau khai hội ở Hămbua (thuộc Tây Đức) và quyết định khi trở về nước, sẽ gây một phong trào ngăn cản Chính phủ nước mình ký tên vào hiệp định Bon.

Khắp thế giới, Mỹ đang ra sức vun trồng thế lực phản động để làm tay sai cho chúng. Mỹ giúp Lý Thừa Vãn ở Triều Tiên, Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, bù nhìn Bảo Đại và giặc Pháp ở Việt Nam, bọn phản động ở Xiêm và ở Phi Luật Tân, bọn phát xít ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, các chính phủ phản động ở Tây Âu, v.v.. Mỹ nâng đỡ nhất phát xít Đức ở châu Âu quân phiệt Nhật ở châu Á để dùng bọn ấy làm tay sai chính và hai nước ấy làm căn cứ chính trong việc thực hiện kế hoạch của chúng gây chiến tranh thế giới thứ ba.

Vì vậy, cũng như vấn đề Nhật, vấn đề Đức quan hệ đến nhân dân Việt Nam. Đồng thời với việc chuẩn bị Hội nghị hòa bình châu Á và Thái Bình Dương, nhân dân Việt Nam đang cùng nhân dân thế giới ủng hộ ý nguyện của nhân dân Đức, ủng hộ chính sách đúng của Liên Xô, và phản đối hiệp định Bon của phe Mỹ và bù nhìn Tây Đức.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân (phụ trương), số 65, ngày 10-7-1952, tr. 3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.