Mồng 1-1-1963 - thày Ken và tớ Diệm chúc nhau: "Năm mới tốt lành". Trong lúc đó thì tên Hakin cùng tướng tá Mỹ bí mật đi bố trí lực lượng.

Mồng 2 - hơn 2.000 lính Diệm, do tướng tá Mỹ chỉ huy, có hải quân và không quân giúp sức, ào ạt bao vây Ấp Bắc (ở Mỹ Tho, cách Sài Gòn độ 60 cây số). Chúng nhằm tiêu diệt non 200 chiến sĩ du kích ở đây.

Kết quả đã xúi quẩy cho Mỹ - Diệm. Trong 15 chiếc máy bay lên thẳng thì 5 chiếc bị bắn rơi, 9 chiếc bị trúng đạn; 3 tên Mỹ chết, 10 tên bị thương, 1 tên tướng Mỹ chết hụt. Độ 300 binh sĩ của Diệm chết, bị thương và đầu hàng.

Mồng 3 - Du kích đánh chiếm một trung tâm huấn luyện quân sự của Mỹ - Diệm ở Pơlây Mơrông (Tây Nguyên), giết và bắn bị thương 57 tên, thu 96 súng các cỡ.

Mồng 4 - Du kích tiêu diệt một đơn vị Mỹ - Diệm ở Rạch Giá, tiêu diệt 62 tên địch và thu toàn bộ vũ khí.

Mồng 6 - Ở thị trấn Núi Miếu (Phú Yên) một đội bảo an Mỹ - Diệm bị du kích tiêu diệt sạch. Địch chết, bị thương và bị bắt 73 tên. Du kích thu được 8 máy rađiô, 30 súng các cỡ. Theo tin Mỹ, thì chỉ trong một tuần này, với chiến lợi phẩm thu được, du kích đủ trang bị cho một tiểu đoàn.

Còn nhiều trận tiếp tục. Xin tạm ngừng ở đây, để kể chuyện Ấp Bắc. Báo Mỹ và báo thế giới đều nói rằng Mỹ - Diệm đã thua một cách nhục nhã. Nhất là lực lượng Mỹ - Diệm nhiều gấp 10 lần lực lượng tự vệ của nhân dân, lại được Mỹ đặc biệt huấn luyện "chiến thuật chống du kích" hơn một năm trời… Sau thất bại đau xót này, bọn Mỹ - Diệm chửi rủa lẫn nhau. Tổng Ken hoảng hốt phải ra lệnh điều tra.

Mồng 9 - Tên đô đốc Phen đến Sài Gòn vừa để xem xét tình hình, vừa để chấm dứt việc Mỹ - Diệm công khai nói xấu nhau.

Hôm 18 - Tham mưu trưởng Uylơ cùng 5 tên tướng, một tên đô đốc và một chục sĩ quan cao cấp của hải, lục, không quân từ Mỹ sang Sài Gòn, rồi đi điều tra các đơn vị suốt 10 ngày. Mấy việc trên đây tỏ rõ rằng: Mỹ coi miền Nam như một thuộc địa của chúng. Rằng binh sĩ miền Nam đã chán ghét chiến tranh. Rằng Mỹ rất hoang mang, lúng túng. Rằng trước chí khí quật cường của nhân dân, thì "chiến thuật mới" và vũ khí mới nhất của Mỹ cũng phải thua.

Hãng thông tin Mỹ UPI viết: "Thắng lợi của Việt cộng có ảnh hưởng chính trị rất nguy hiểm… Nó làm cho quân đội ông Diệm mất hết tinh thần, và nó phá hoại sự ổn định chính trị ở Sài Gòn…". Báo Mỹ Tin điện viết: "Tình hình Mỹ ở miền Nam thật là "tiến thoái lưỡng nan"".

Bọn Mỹ chê trách binh sĩ quân đội Diệm "không có chí khí chiến đấu". Sự thật là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chỉ có gậy tầm vông mà người miền Nam đánh giặc hăng đáo để. Nhưng ngày nay, binh lính miền Nam đã hiểu rõ rằng chính sách hung ác của Mỹ - Diệm là "dùng người Việt giết người Việt"; rằng Mỹ - Diệm bắt họ là lính tỉnh A đi giết hại đồng bào tỉnh B, thì chúng lại bắt lính tỉnh B đi giết hại cha mẹ, vợ con của họ ở tỉnh A. Họ đã giác ngộ dần dần, họ không chịu làm việc tội lỗi "nồi da nấu thịt" theo lệnh của Mỹ - Diệm. Vì lẽ đó mà năm 1962 trong 11 tháng có hơn 28.700 binh sĩ bỏ Mỹ - Diệm mang súng về với nhân dân.

Những thắng lợi liên tiếp của nhân dân trong tháng Giêng qua chứng tỏ rằng tuy cuộc chiến tranh yêu nước phải lâu dài, gian khổ, nhưng nhân dân đoàn kết chặt chẽ, nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không chủ quan khinh địch, thì cuối cùng Mỹ - Diệm nhất định thua, nhân dân nhất định thắng.

T.L.

----------------------------------

Báo Nhân Dân, số 3233, ngày 1-2-1963, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.