Tình hình tháng 6 vừa qua được đánh dấu bằng những cố gắng lớn của Liên Xô, các nước yêu chuộng hòa bình và nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh vĩ đại nhằm duy trì hòa bình lâu dài. Nổi bật nhất trong những cố gắng ấy là: cuộc đàm phán Liên Xô - Nam Tư thành công; hội nghị 4 nước lớn ở cấp bậc cao nhất sẽ họp vào ngày 18-7-1955 ở Giơnevơ (hội nghị này 10 năm nay mới có); việc Liên Xô mời Chính phủ Tây Đức sang thăm Liên Xô; kết quả cuộc đi thăm Liên Xô của Thủ tướng Nêru; ngày 26-6-1955, các nước ở Liên hợp quốc nhất trí tán thành tài giảm binh bị, tán thành dùng phương pháp thương lượng để giải quyết các vấn đề quốc tế; những đề nghị cụ thể ngày 22-6-1955 của Ngoại trưởng Liên Xô tại Liên hợp quốc nhằm làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng; cuộc đàm phán Xô - Nhật; thành công của Đại hội hòa bình thế giới họp ở Henxanhky từ 22 đến 29-6-1955.

Kết quả của những cố gắng lớn ấy làm cho không khí căng thẳng dịu đi một phần. Hy vọng và tin tưởng thêm lên.

Thắng lợi của lực lượng hòa bình thế giới tức là thất bại của phe đế quốc hiếu chiến do Mỹ cầm đầu. Đế quốc Mỹ ngày càng cô lập. Vây cánh của Mỹ ở nhiều nơi cũng bị các lực lượng hòa bình và yêu nước giáng cho những đòn đau. Chính phủ Xenba ở Ý, tay sai đắc lực của Mỹ, bị đổ; đảng hồi giáo tức là đảng cầm quyền ở Đại Hồi, theo đuôi Mỹ, bị tụt từ 60 ghế xuống còn có 25 ghế trong nghị viện kỳ tổng tuyển cử vừa qua. Đó là những sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với những kẻ tay sai Mỹ, phản dân, phản nước, phản hòa bình.

Những thắng lợi của phe hòa bình trong tháng 6 tuy làm cho tình hình dịu đi, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn còn và không kém phần nghiêm trọng. Mũi nhọn đấu tranh của nhân dân thế giới hiện nay phải tập trung vào chỗ đòi triệt để cấm vũ khí nguyên tử; tải giảm binh bị; rút quân đội nước ngoài khỏi nước Đức, và đi tới một nước Đức thống nhất, dân chủ và hòa bình; khôi phục địa vị hợp pháp của Trung Quốc ở Liên hợp quốc và quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đài Loan; phát triển quan hệ kinh tế, văn hóa giữa các nước.

Đòi thi hành nghiêm chỉnh, triệt để các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, nhất là các điều khoản chính trị quy định tổng tuyển cử tự do để thống nhất Việt Nam cũng là yêu cầu và mục tiêu đấu tranh trước mắt của các nước yêu chuộng hòa bình và nhân dân các nơi. Vì việc củng cố hòa bình ở Việt Nam, Cao Miên và Lào không thể tách rời việc củng cố hòa bình thế giới. Bản tuyên bố chung giữa Chủ tịch Bunganin và Thủ tướng Nêru ngày 22-6, bản tuyên bố chung giữa Thủ tướng Xirăngkiêvích (Ba Lan) và Thủ tướng Nêru ngày 25-6; lời tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 26-6-1955 trong bữa tiệc tiếp đón Hồ Chủ tịch; lời kêu gọi của Đại hội hòa bình Henxanhky ngày 29-6-1955, đều nhấn mạnh rằng các nước có liên quan phải thi hành nghĩa vụ của họ là thực hiện đầy đủ các điều khoản trong Hiệp định Giơnevơ, không thể để cho kẻ nào ngăn cản sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Dư luận ở Pháp, Anh, Ấn, Nam Dương… cũng đều đòi hỏi như vậy. Đối với nhân dân Việt Nam ta, đó là những sự ủng hộ chân thành và quý báu làm cho nhân dân ta càng thêm phấn khởi đấu tranh đòi hiệp thương và tổng tuyển cử đúng như Hiệp định Giơnevơ đã quy định.

Không ngừng tăng cường tình hữu nghị giữa các nước anh em trong mặt trận xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân là một nhân tố quan trọng để củng cố lực lượng trụ cột bảo vệ hòa bình thế giới. Việc Hồ Chủ tịch lãnh đạo đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm Liên Xô và Trung Quốc là nhằm ý nghĩa ấy. Đó là một sự kiện lịch sử tăng cường hơn nữa tình hữu nghị sẵn có giữa nhân dân ba nước Việt - Xô - Trung, đem thêm phấn khởi và hy vọng cho các lực lượng hòa bình đang ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa và hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước ta.

T.L.

------------
Báo Nhân Dân, số 489, ngày 5-7-1955, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.