Điểm nổi bật nhất và bao trùm tất cả trong tình hình thế giới nửa tháng vừa qua là những cố gắng to lớn liên tiếp của Liên Xô nhằm làm cho tình hình quốc tế bớt căng thẳng, và nhằm phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước. Đứng hàng đầu những cố gắng ấy là cuộc đàm phán Liên Xô - Nam Tư và đề nghị của Liên Xô về việc bình thường hóa quan hệ với nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức).

Cuộc đàm phán Liên Xô - Nam Tư (27-5 – 2-6-1955) đã mang lại những kết quả tốt đẹp, lập lại quan hệ bình thường giữa Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân với Nam Tư đã bị đứt bảy, tám năm nay. Việc này là một cống hiến quan trọng vào việc gây không khí tin cậy lẫn nhau giữa các nước. Tình hình Đông - Nam châu Âu nhờ kết quả của cuộc đàm phán Liên Xô - Nam Tư trở nên ổn định. Kế hoạch của đế quốc Mỹ và phe lũ định kéo Nam Tư vào khối xâm lược Bắc Đại Tây Dương, định biến Nam Tư thành căn cứ xâm lược bị phá sản. Kết quả của cuộc đàm phán Liên Xô - Nam Tư là thắng lợi lớn của lực lượng hòa bình thế giới, của phong trào công nhân quốc tế và của chủ nghĩa xã hội.

Trước đề nghị ngày 7-6-1955 của Liên Xô nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, kinh tế với Cộng hòa Liên bang Tây Đức, các giới cầm quyền Mỹ, Anh, Pháp phản ứng rất mạnh. Chúng tỏ ra hoảng sợ. Nhiều báo chí tư sản gọi đề nghị đó là “quả bom” nặng hàng tấn. Đúng. Nhưng không phải là quả bom chiến tranh mà là quả bom hòa bình để phá tan kế hoạch của đế quốc Mỹ và phe lũ đang xúc tiến việc biến Tây Đức thành trung tâm gây chiến tranh xâm lược châu Âu sau khi Hiệp ước Pari được thông qua. Nhân dân Tây Đức và nhân dân toàn nước Đức, nhân dân châu Âu và nhân dân toàn thế giới nhiệt liệt hoan nghênh đề nghị của Liên Xô vì đề nghị này được thực hiện thì tình hình châu Âu sẽ dịu đi rõ rệt. Mọi người đều rõ: vấn đề Đức là một trong những vấn đề trung tâm của các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Nếu vấn đề Đức được giải quyết thì hòa bình thế giới sẽ được củng cố thêm một bước. Đề nghị ngày 7-6-1955 của Liên Xô có một tầm quan trọng quốc tế vượt xa phạm vi quan hệ giữa Liên Xô và Tây Đức.

Trong những cố gắng của Liên Xô đầu tháng 6, ta cần phải kể đến cố gắng đã đưa đến cuộc đàm phán Liên Xô - Nhật Bản đang tiến hành ở Luân Đôn (từ 7-6-1955) và cố gắng đã đưa đến sự đồng ý triệu tập hội nghị 4 nước lớn ở cấp bậc cao nhất vào ngày 18-7-1955 tại Giơnevơ.

Cộng với cố gắng đã đưa đến việc ký hòa ước với Áo tháng 5-1955, hiệp ước thân thiện, hợp tác và tương trợ ký tại Vácxôvi ngày 14-5-1955 giữa 8 nước anh em trong khối xã hội chủ nghĩa, những cố gắng liên tiếp, bền bỉ, mạnh bạo của Liên Xô trong nửa đầu tháng 6 đã làm cho tình hình thế giới đang có chiều dịu đi, khiến ngay tên Đalét, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, một tên hiếu chiến hung hăng hạng nhất dù rất hậm hực cũng phải thừa nhận rằng: “những hoạt động gần đây của Liên Xô tạo ra một mối hy vọng lớn cho hòa bình trên toàn thế giới”.

Làm cho nhân dân các nước hiểu nhau thêm, ra sức phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước, đó là những nhiệm vụ lớn để củng cố hòa bình. Cuộc đi thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nam Dương Amítgiôgiô (25-5 – 2-6-1955) và cuộc đi thăm Liên Xô của Thủ tướng Ấn Độ Nêru (tới Liên Xô ngày 7-6) thắt chặt thêm quan hệ giữa các nước yêu chuộng hòa bình và có những cống hiến nhất định cho sự nghiệp hòa bình thế giới. Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Nam Dương đã thấy ở Liên Xô và Trung Quốc không có “màn tre” hay “màn sắt” như bọn đế quốc đã dựng đứng lên, mà chỉ thấy mối nhiệt tình lao động hòa bình đang dâng lên mạnh mẽ, chỉ thấy lòng thiết tha yêu chuộng hòa bình và mối tình hữu nghị thắm thiết đối với các dân tộc. Lời nói dưới đây của Thủ tướng Amítgiôgiô với nhân dân Trung Quốc trước khi rời Bắc Kinh rất có ý nghĩa: “Đi thăm Trung Quốc, chúng tôi đã thấy sự cố gắng lớn lao của các bạn. Chúng tôi đã học được nhiều điều hay. Thành tích của các bạn, tinh thần các bạn thực hiện mục đích chung đó đã cho tôi một ấn tượng sâu sắc…”.

Những điều Thủ tướng Nam Dương ca ngợi nhân dân Trung Quốc (tinh thần thực hiện các nhiệm vụ công tác, những cố gắng lớn lao để kiến thiết hòa bình…) là đặc điểm chung của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Nó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân ra sức hoàn thành các kế hoạch kiến thiết kinh tế. Ở Liên Xô nhiều nhà máy đã hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1951-1955). Ở Trung Quốc chương trình kiến thiết 5 năm lần thứ nhất đã thực hiện được 2 năm rưỡi và đã thu được kết quả tốt.

Tình trạng ở các nước tư bản và các nước thuộc địa thì ngược lại. Sự bóc lột đến tận xương tủy, chính sách chạy đua vũ trang làm cho các tầng lớp lao động ngày càng bần cùng. Phong trào bãi công ầm ầm nổ ra ở Anh, Mỹ, Ý, Bơrêdin, Tângiaba (Mã Lai), v.v. đã nói lên sự bất mãn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đối với chế độ hiện tại ở các nước đó. Do những cuộc bãi công vừa qua của 7 vạn công nhân xe lửa và 2 vạn công nhân khuân vác ở nhiều bến tàu nước Anh hiện nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất về công nghiệp kể từ năm 1926 tới nay.

Ở Bắc Phi, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cũng đang bồng bột dâng lên. Chỉ riêng ở Angiêri, thực dân Pháp phải mang tới trên 10 vạn quân để hòng đàn áp phong trào, nhưng vô hiệu. Nhân dân Angiêri, Tuynidi, Marốc kiên quyết phản đối những gông cùm thực dân. Chủ nghĩa thực dân đã lỗi thời. Nếu các giới cầm quyền Pháp cứ cố tình nhắm mắt không chịu nhìn thấy những sự thay đổi vĩ đại từ sau đại chiến thế giới thứ hai đến nay trong đời sống của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc thì nhất định họ sẽ đi đến thất bại như đã thất bại ở Đông Dương.

Những thắng lợi gần đây của các lực lượng hòa bình càng làm cho nhân dân thế giới tin tưởng ở sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hòa bình và thêm quyết tâm phấn đấu hơn nữa, đồng thời phải đề cao cảnh giác hơn nữa, vì như lời đồng chí Môlôtốp đã nói: “Mỗi một bước tiến làm cho tình hình quốc tế bớt căng thẳng đều vấp phải sức chống lại của những phần tử xâm lược nhất…”. Cuộc đấu tranh cho hòa bình không được lỏng lẻo một phút nào mà cần phải liên tục, bền bỉ.

T.L.

------

Báo Nhân Dân, số 471, ngày 17-6-1955, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.