Châu Á chúng ta có hai nước đất rộng nhất và người đông nhất trên thế giới: phía đông là Trung Hoa, phía nam là Ấn Độ.

Trung và Ấn cũng là hai nước có nền văn hóa lâu đời nhất và phong phú nhất trên thế giới.

Nước Việt Nam ta ở vào giữa hai nước ấy, cho nên đã được ảnh hưởng văn hóa cả của Ấn Độ và của Trung Hoa.

Văn hóa Ấn Độ đã cùng đạo Phật truyền bá đến nước ta vào khoảng thế kỷ II, tức là gần 1.800 năm nay.

Đến thế kỷ XVIII, bọn thực dân phương Tây xâm lược dần dần các nước châu Á. Chúng chia rẽ các dân tộc và ngăn cản sự quan hệ giữa các nước anh em chúng ta.

Từ sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc vùn vụt lên cao, chủ nghĩa thực dân sụp đổ từng mảng, nhiều nước châu Á giành lại độc lập, tự do, các nước chúng ta khôi phục lại mối quan hệ láng giềng từ nghìn xưa khăng khít.

Đó là một thắng lợi to lớn của nhân dân châu Á chúng ta!

Lần này, Đoàn văn hóa Ấn Độ sang thăm chúng ta, việc đó có một ý nghĩa rất quan trọng: Chẳng những để nối lại quan hệ văn hóa giữa hai dân tộc ta, mà còn để chuyển cho chúng ta tình nghĩa anh em của nhân dân Ấn Độ vĩ đại.

Vì vậy, nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh Đoàn văn hóa Ấn Độ, và nhờ Đoàn chuyển lại cho nhân dân Ấn Độ anh em tình thân ái nồng nàn của nhân dân Việt Nam.

PANCH SI LA!

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 795, ngày 8-5-1956, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.328-329.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.