Thư của L.T.

Em Hương yêu quý,

Chắc chắn khi tiếp được thư này, em sẽ rất sung sướng. Em sẽ vội vàng đọc lại cho thầy mẹ, các anh, các chị và các cháu nghe. Rồi em thuật lại cho bà con, cô bác trong làng đều biết. Kết quả sẽ là mọi người đều sung sướng vui mừng! Vì:

Trong cuộc Hồ Chủ tịch đi thăm hữu nghị hai nước bạn Ấn Độ và Miến Điện[1], anh là một trong mấy cán bộ có vinh hạnh được đi theo Bác.

Em nghĩ xem, đi theo Bác sẽ được học hỏi không ít, đến hai nước bạn lại được nghe thấy thêm nhiều. Tục ngữ có câu: “Đi một phiên chợ, học một mớ khôn”. Chắc rằng chuyến này sự hiểu biết của anh sẽ tăng tiến. Anh sẽ cố gắng ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, tiếp tục gửi về cho em. Đó cũng là một cách giúp em học hỏi.

4 giờ chiều hôm qua (4-2-1958), chiếc máy bay Ấn sang đón Bác cất cánh từ trường bay Gia Lâm. Cùng đi có cụ Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, ba đồng chí Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, Phạm Hùng, Phan Anh và vài chục cán bộ phụ trách lễ tân, quay phim, đánh máy, bảo vệ, v.v.. Đến sân bay tiễn Bác rất đông người, gồm có các đồng chí Trung ương Đảng và Chính phủ, các vị đại biểu Quốc hội và Quân đội, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, đoàn ngoại giao, các em nhi đồng... Cùng ra tiễn có đại sứ Kôn, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế và nhiều bà con Ấn kiều.

Sau khi cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi duyệt đội danh dự và thân mật chào hỏi các bà con đến tiễn, Bác nói đại ý như sau:

“Mục đích cuộc đi thăm này là thắt chặt thêm nữa tình anh em giữa nước ta và hai nước bạn Ấn Độ và Miến Điện, do đó củng cố và phát triển thêm nữa mối đoàn kết giữa các dân tộc Á-Phi và bảo vệ hòa bình thế giới”.

Giữa những tràng vỗ tay nhiệt liệt, Bác kết luận: “Tiễn đi nhớ bữa hôm nay, mừng về xin đợi hôm này hai tuần sau!”.

Ở trường bay thì có mưa phùn và gió rét. Nhưng khi máy bay lên cao hơn 2.000 thước, thì có mặt trời nắng ấm như mùa Thu.

Từ Thủ đô Hà Nội đến Can-cút-ta (Kolkata, BT)  đường xa non 2.000 cây số. Phải kinh qua ba nước Lào, Thái Lan và Miến Điện, bay liền bảy tiếng đồng hồ. Nhiều anh em e ngại rằng bay lâu như thế, Bác sẽ mệt. Nhưng suốt đường, khi thì nhìn ra cửa sổ xem phong cảnh, khi thì xem sách xem báo, Bác không có vẻ mệt nhọc chút nào.

11 giờ khuya, máy bay hạ cánh ở Can-cút-ta. Ra sân bay đón tiếp, có bà Thủ hiến và các vị lãnh đạo xứ Băng-gan cùng các nhân viên cao cấp của thành phố Can-cút-ta.

Anh cần nói cho em rõ: Bà Thủ hiến là bà Nai-đu giữ chức Thủ hiến, chứ không phải là “bà vợ ông Thủ hiến” như có người đã hiểu lầm. Bà Thủ hiến là con bà cụ Nai-đu, một thi sĩ cách mạng nổi tiếng và cũng đã giữ chức Thủ hiến lúc bà cụ còn sống.

Cùng ra đón có các vị lãnh sự các nước anh em và mấy nước Á-Phi. Tuy đã đêm khuya, rất đông nhân dân Can-cút-ta vẫn chờ đợi hai bên đường để hoan nghênh Bác.

Về đến dinh Thủ hiến đã 12 giờ khuya. Cơm nước xong rồi thì đã một giờ sáng. Mọi người đặt lưng xuống giường là ngủ li bì. Nhưng anh cố gắng viết cho xong thư số 1 này để gửi cho em, vì sáng sớm ngày mai, Bác và đoàn sẽ tiếp tục đi máy bay đến Đêli (Delhi, BT, Thủ đô Ấn Độ.

(còn nữa)

---------

[1]. Miến Điện, tiếng nước bạn là “Myanma” (nước Myan). Tiếng Trung Quốc dịch thành Myan - điện, điện nghĩa là bờ cõi. Ta dịch theo tiếng Trung Quốc, nhưng “Miến” thì đọc ra “Diến”. Cũng như Canađa, tiếng Trung Quốc vẫn dịch đúng, nhưng ta lại đọc thành “Gia Nã Đại", là đọc sai (T.G).

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.