Thư của L.T.

9 giờ tối (7-2-1958) nghe tin Bác sắp rời Đê-li (Delhi, B.T.), các em bé (cháu của Tổng thống, con của các nhân viên cao cấp ở Phủ Tổng thống) kéo nhau đến chào Bác. Các em hát cho Bác nghe, rồi đòi Bác cho chữ ký để làm kỷ niệm. Đã đến giờ nhưng các em còn quyến luyến, vây tròn lấy Bác, không muốn để Bác đi. Có em hỏi: Bác ơi Bác, bao giờ Bác trở lại chơi với các cháu?

10 giờ 25 phút, xe sắp sửa chạy đi Năng-gan (Nangal, B.T.). Nhà ga, sân ga, vườn ga đều trang trí với quốc kỳ hai nước và đèn điện nhiều màu sắc, đẹp như ngày Tết. Ra ga tiễn Bác và Đoàn, có Thủ tướng và bà In-đi-ra (Indira Gandhi, B.T.), nhiều vị trong Chính phủ và Quốc hội, Đoàn ngoại giao và những bạn mới quen biết.

Lúc chia tay, khách và chủ đều tỏ tình rất quyến luyến. Bác đứng trên cửa xe vẫy tay và nói chơi: “Cửa này là cửa hòa bình”. Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, B.T) cười và trả lời: “Cửa hòa bình, chúng ta phải để nó mở rộng mãi mãi”.

10 giờ rưỡi, xe lửa chuyển bánh rời Thủ đô đi Năng-gan.

Chào các bạn Đê-li thân mến! Chúng tôi sẽ luôn luôn ghi nhớ tình hữu nghị thắm thiết của các bạn đối với lãnh tụ và nhân dân Việt Nam!...

Đê-li là một thành phố rất cũ và rất mới, có độ hai triệu nhân dân. Hơn 2.000 năm nay, Đê-li đã trải qua nhiều cuộc bể dâu và đã thay đổi sáu, bảy lần. Lúc thì thành phố mới mọc chồng trên thành phố cũ. Lúc thì thành phố cũ vẫn đứng bên thành phố mới. Vì vậy, Đê-li có nhiều di tích lịch sử xưa, lại có nhiều lâu đài mới. Ngày nay Đê-li có hai phần: Đê-li cũ là nơi dân cư đông và phố xá nhiều. Bên cạnh là Đê-li mới, nơi tập trung các cơ quan chính quyền, xây dựng xong từ năm 1931. Quốc hội, Phủ Tổng thống, dinh Thủ tướng, các Bộ đều ở gần nhau. Nhà cửa to, đường sá rộng, vườn hoa nhiều, xứng đáng là Thủ đô của một nước có hơn 382 vạn cây số vuông đất đai, 362 triệu nhân dân (nước Ấn Độ chia làm 14 bang và 6 khu trực thuộc Chính phủ trung ương).

Đối với những người bạn, nhân dân Đê-li có thái độ rất niềm nở thân mật, đáng yêu. Trong những ngày ở Thủ đô, mỗi lần Bác và Đoàn đi ra, luôn luôn hàng nghìn, có khi hàng vạn người đón chào hai bên đường. Ngoài những tiếng hoan hô, những bàn tay chào vẫy, tình cảm sâu sắc nhất là nơi con mắt trìu mến của họ. Mỗi lúc Bác và Đoàn đi gần các trường học, thì các em học sinh chạy ùa ra, nhảy nhót, hò reo, chạy theo xe Bác và hoan hô: “Sa-sa Hồ, jindabad!”.

Một hôm, độ 9 giờ sáng, anh có việc đi ra phố, thấy có hàng vạn người đi xe đạp liên tiếp nhau hơn một cây số, rất có trật tự. Họ đi từ Đê-li cũ vào Đê-li mới. Anh tưởng là một đám biểu tình bằng xe đạp. Hỏi ra mới biết đó là nhân viên đi làm việc ở các cơ quan.

Năng-gan cách Đê-li 360 cây số, đi về phía bắc. Đi xe lửa đặc biệt phải 12 tiếng đồng hồ, tức là 9 giờ sáng mai sẽ đến. Thế là tối hôm nay Bác và Đoàn cùng tất cả anh em cán bộ được nghỉ ngơi suốt đêm.

Trên xe, ăn cơm rồi thì đã 12 giờ khuya, nhưng anh cố viết cho xong thư này...

Mấy hôm vừa qua, công việc khẩn trương, ai cũng hơi mệt. Vì xe lắc, mắt anh lại riu ríu, viết chữ o thì thành chữ a. Tiếng bánh xe chạy nhịp nhàng như ru ngủ... Anh cùng các đồng chí trong cơ quan đi tham gia chống hạn ở ngoại ô, cùng đi có cả cậu Lâm và cô Hạnh. Dạo này chúng đang tìm hiểu nhau... Đến nơi thì gặp anh chị em học sinh cấp III, họ thách chúng mình thi đua. Mọi người ra sức làm việc, toát cả mồ hôi mồ hám, nhưng vẫn vừa làm vừa hát để khuyến khích nhau. Không biết ai đã cố ý xếp Lâm và Hạnh cùng tát một gầu. Chúng cũng vừa tát vừa hát. Hạnh cất giọng hát:

Thi đua tát nước vào đồng,
Tát bao nhiêu nước, em thương chồng bấy nhiêu.

Đồng chí Quế cười gật gù và nói: “Con bé Hạnh này lì thật” rồi thúc một đấm vào lưng anh... Thức giấc dậy thì tay anh đang cầm bút để trên tờ giấy, nhìn ra cửa sổ thì trời đã rạng đông...

(còn nữa)
---------
[1] Jindabad có nghĩa là muôn năm (B.T)

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.