Thư của L.T.

Năng-gan, 8-2-1958

Em Hương yêu quý,

9 giờ sáng nay, Bác và Đoàn đến Năng-gan (Nangal, B.T.). Ra ga đón, có ông Thủ hiến và các nhân viên cao cấp bang Păng-giáp (Punjab, B.T.).

Năng-gan là một thành phố nhỏ đang trở nên một thành phố to, vì ở đây đang xây dựng cái đập chứa nước to nhất ở Ấn Độ là đập Ba-cơ-ra (Bakra, B.T.) ở trên sông Sút-lê (Sutlej, B.T.).

Việc chuẩn bị đắp đập Ba-cơ-ra bắt đầu từ năm 1946, nhưng đến tháng 11 năm 1955 mới khởi công.

Đập này bề cao 225 thước tây. Chân đập dày 436 thước.

Việc đầu tiên là phải dọn sạch 4 triệu thước khối đá và sỏi. Số lượng bê-tông dùng vào đập (hơn 80 vạn tấn) có thể đắp thành một con đường rộng hai thước rưỡi chạy vòng quả đất. Số gang sắt (10 vạn tấn) có thể lắp 480 cây số đường ray.

Trước khi đắp đập, phải xây 12 cây số đường xe lửa và một khu nhà ở cho 15.000 công nhân. Cả đêm, cả ngày có 8.000 công nhân làm việc.

Công việc ở đập này đều làm bằng máy. Ở cạnh đập có một xưởng bêtông mỗi giờ có thể sản xuất 400 tấn. Một đai chuyền cao su chạy bằng máy dài 7 cây số mỗi giờ đưa 750 tấn đá sỏi từ bờ sông đến máy chọn lọc. Máy này chọn đá sỏi ra từng hạng to, vừa và nhỏ. Chọn lọc xong, đá sỏi đi vào máy rửa cho sạch và quạt cho nguội. Rồi sang máy trộn cho đều thành bêtông. Sau đó, bêtông được đưa lên những toa xe lửa đặc biệt rồi chuyển sang máy vận tải bằng dây chuyền. Cuối cùng, do máy điện đúc bêtông thành những khối vuông và to để dùng đắp đập.

Gần chân đập Bacơra có hai nhà máy điện, mỗi nơi sản xuất 900 ki-lô-oát.

Núi ở đây có những lớp đá như đất sét dễ vỡ và khó đắp, cho nên công việc xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Anh em Ấn Độ rất tự hào đã vượt mọi khó khăn đắp được cái đập này. Họ cho nó là biểu hiện cho tinh thần tích cực, hy vọng tương lai, và lòng tin tưởng vào sự tiến bộ của nước Ấn Độ mới.

Anh nghĩ rằng bà con Ấn Độ có quyền tự hào như vậy, vì đập Ba-cơ-ra là một bộ phận trong hệ thống thủy lợi Ba-cơ-ra Năng-gan, nó sẽ tưới cho 4 triệu mẫu tây ruộng đất hiện đang khát nước.

Ông Thủ hiến và ông giám đốc hướng dẫn Bác và Đoàn đi xem kỹ công trình xây dựng này. Độ cuối năm sau thì đập Ba-cơ-ra sẽ làm xong. Bác nói với ông Thủ hiến: “Bao giờ khánh thành đập, Ngài tin cho tôi biết, tôi sẽ gửi điện mừng”. Ông Thủ hiến vui vẻ trả lời: “Tôi kính cám ơn Chủ tịch trước, và nhất định sẽ báo cáo để Chủ tịch biết mà mừng cho chúng tôi”.

Chiều, hai giờ rưỡi, ông Thủ hiến đưa Bác và Đoàn đi thăm một làng làm theo “Kế hoạch cải tiến nông thôn”.

Hơn 85% nhân dân Ấn sống ở nông thôn. Giải quyết lương thực (mỗi năm 63 triệu tấn) là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Vì vậy Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến việc cải tiến nông thôn. Kế hoạch này nhằm cải thiện nông nghiệp; tăng cường vệ sinh và giáo dục; giải quyết nhà ở và các vấn đề khác cần thiết cho đời sống của nông dân. Những việc cải thiện này do nhân dân tự làm lấy, với sự hướng dẫn và giúp đỡ của Chính phủ.

Cuối năm 1952, Chính phủ đã chọn 55 vùng làm thí điểm. Cuối kế hoạch 5 năm thứ nhất đã phát triển đến 1.160 vùng. Nơi mà Bác và Đoàn đến thăm hôm nay cách Năng-gan độ 20 cây số. Trong làng có những ngôi nhà kiểu mẫu, khuôn khổ nhỏ nhưng sạch sẽ, gọn ghẽ. Các nghề thủ công như dệt vải, thuộc da, v.v. đều tổ chức thành hợp tác xã. Hôm nay, nông dân các xã chung quanh cùng làng này có tổ chức hội chợ, trưng bày các sản phẩm, như các thứ ngũ cốc, vải vóc, da thuộc, đồ chơi cho trẻ con, v.v.. Có nhiều thứ vải dệt và thêu bằng tay rất đẹp. Một cụ già trong hội chợ biếu Bác một tấm da beo. Bác phải từ chối mãi, ông cụ mới chịu lấy lại.

Rồi đến buổi văn công, do thanh niên trai và gái biểu diễn các điệu múa và các bài hát địa phương. Hơn hai, ba nghìn người đến xem biểu diễn.

4 giờ rưỡi đi xem đập Năng-gan. Đập này ở phía dưới dòng đập Ba-cơ-ra hơn 10 cây số, tác dụng của nó là để giữ mức nước Ba-cơ-ra được bình thường. Đập Năng-gan làm xong hồi tháng 7-1954 và đã tưới nước cho một vùng khá rộng ở Păng-giáp, Pép-su và Ra-gia-stan.

Để đưa nước hai đập Ba-cơ-ra và Năng-gan vào ruộng, nông dân ở vùng này đã đào được 960 cây số mương. Đập và mương thành một công trình thật là vĩ đại. Anh nghĩ rằng mai sau nước ta đắp được vài cái đập to như thế này, thì vấn đề thủy lợi ở nước ta sẽ được giải quyết một cách tốt đẹp.

6 giờ chiều, ông Thủ hiến mở tiệc chiêu đãi rất long trọng.

9 giờ Bác và Đoàn lên xe đi A-gơ-ra cách đây hơn 500 cây số, về phía Nam Đê-li.

(còn nữa)
---------
- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.