Thư của L.T.
A-gơ-ra, 9-2-1958
Em Hương,
A-gơ-ra (Agra, B.T.) cách Đê-li (Delhi, B.T.) 200 cây số. 10 giờ sáng nay Bác và Đoàn đến đây để thăm ngôi lăng nổi tiếng khắp thế giới là Ta-giơ Ma-han (Taj Mahal, B.T.).
Trước hết anh kể tóm tắt cho em nghe lịch sử thành phố A-gơ-ra:
Người ta chỉ biết rõ lịch sử thành phố này từ năm 1495. Năm ấy, vua Lô-đi (Lodi, B.T.) từ Đê-li xuống đây xây dựng thành phố A-gơ-ra. Sau đó mười năm, một cuộc động đất dữ dội đã làm cho thành phố đổ nát hết. Một lần nữa, vua Lô-đi bắt nhân dân xây dựng lại A-gơ-ra.
Năm 1564, vua Mô-gôn (Mughal, B.T.) bắt nhân dân mở mang thêm thành trì A-gơ-ra làm Thủ đô Ấn Độ. Chỉ ở đó 14 năm, y rời Thủ đô đi nơi khác. 19 năm sau, y lại trở về đóng đô ở A-gơ-ra. Được sáu năm thì y chết. Con y lại bỏ A-gơ-ra đi đóng đô nơi khác. Đây cũng là một chứng thực rằng bọn vua chúa không tiếc mồ hôi nước mắt của nhân dân mà chỉ làm theo ý muốn của chúng, xây lên rồi bỏ đi, bỏ đi rồi lại xây lên, tốn kém không biết ngần nào mà kể. Em nghĩ có đáng trách không?
Đến thế kỷ XVII (từ năm 1632) dưới thời vua Sa Giê-han (Shah Jahan, B.T.) lại xây dựng A-gơ-ra thành một Thủ đô cực kỳ tráng lệ.
Nhưng từ năm 1770 trở về sau, A-gơ-ra đã bị chiến tranh tàn phá năm lần. Lần cuối cùng (1803) A-gơ-ra bị thực dân Anh xâm chiếm. Ngày nay A-gơ-ra là một thắng cảnh nổi tiếng của nước Ấn Độ tự do.
Ta-giơ Ma-han trước là lăng của Hoàng hậu Nung-tát Ma-han (Mumtaz Mahal, B.T.), vợ Vua Sa Giê-han (đầu thế kỷ XVII). Giê-han là một người đa tình, đông con và xa xỉ.
Khi bà Ma-han đẻ đứa con thứ 14 thì mắc bệnh sản hậu mà chết. Giê-han thương tiếc quá, bèn bắt dân xây lăng này để chôn vợ y. Để xây Ta-giơ Ma-han, hai vạn công nhân làm trong 22 năm mới xong. Nghe nói tốn hơn 30 triệu đồng ru-pi (hơn 21 nghìn triệu đồng ngân hàng).
Ấn Độ có nhiều lâu đài, chùa miếu lâu đời và đồ sộ, nhưng Ta-giơ Ma-han nổi tiếng là đẹp nhất ở Ấn Độ và trên thế giới. Người ta gọi nó là “bài thơ bằng đá gấm”.
Từ ngoài cửa đi vào là một khu vườn rộng và đẹp. Ở giữa có một cái hồ dài và một cái chuông chắn lại như chữ i viết hoa. Giữa hồ có những vòi nước phun lên cao, hai bên có những cây cổ thụ soi bóng xuống nước hồ trong vắt.
Lăng có hai tầng sân, sân dưới bằng đá đỏ, sân trên bằng đá trắng. Bốn góc sân có bốn cái tháp cao ba tầng. Toàn bộ lăng đều xây bằng đá gấm trắng tinh. Ở phía trong lăng là một gian phòng rộng tám góc. Chính giữa là mả của hoàng hậu và mả của Giê-han đều bằng đá gấm trắng, chạm trổ với những thứ đá ngọc nhiều màu sắc, xem như những tấm thảm thêu. Chung quanh có những bức bình phong, trước kia là bằng vàng, về sau đổi bằng cẩm thạch.
Hai mả để ở đây là hai mả giả. Hai mả thật thì ở dưới hầm cũng giống hệt như hai mả này. Các cửa, các tường đều chạm trổ một cách rất tinh vi, hoặc thếp vàng, hoặc khảm ngọc.
Người công trình sư xây dựng lăng này khéo lợi dụng cả điều kiện thiên nhiên để tô điểm cho nó thêm đẹp. Như khi trời nắng thì những chạm trổ và những màu sắc nổi lên óng ánh rất xinh tươi. Đêm sáng trăng thì sắc trắng của lăng và màu xanh của vườn hòa lẫn với ánh trăng thành một phong cảnh rất thơ mộng.
Cách Ta-giơ Ma-han mấy trăm thước là cung điện và đại bản doanh của dòng Vua Giê-han. Lúc còn sống, Giê-han thường đứng bên này bùi ngùi nhìn sang lăng vợ.
Cung điện này cũng xây bằng đá đỏ và đá trắng, gồm có nhiều lâu đài rất đồ sộ và chạm trổ rất tinh vi. Ngoài những lâu đài khác, có một nhà tắm của “cung tần mỹ nữ”, trên trần nhà và chung quanh tường có khảm hàng vạn miếng gương, để khi họ tắm thì rọi ra những hình ảnh của con người. Có một con đường ngầm bí mật từ chỗ Vua ở ra đến bờ sông, để phòng khi có biến cố thì vua có lối chuồn để tránh nạn. Có một ngôi lầu tám góc gọi là lầu Hoa Nhài, gọi như vậy vì tường vách cột kèo đều chạm trổ hình những hoa ấy bằng đá ngọc. Mái lầu thì tròn và thếp vàng. Vua Giê-han già chết ở lầu này. Đến phút cuối cùng, y vẫn ngoảnh mặt nhìn sang lăng vợ.
Những năm Giê-han đã già, thì bị con trai y là O-răng-giép (Aurangzeb, B.T.) chiếm ngôi vua và nhốt y lại trong lầu tám góc ấy...
Các nhà báo hỏi ấn tượng của Bác đối với cuộc đi thăm này. Bác nói: “Ngày xưa nhân dân lao động Ấn Độ đã xây dựng những cung điện lâu đài cực kỳ đồ sộ. Ngày nay nhân dân Ấn Độ dùng tài năng và lực lượng của mình làm những nhà máy to, đắp những đập nước lớn, để làm cho nước nhà giàu mạnh, con cháu mình sung sướng. Điều đó chứng tỏ rằng nhân dân Ấn Độ có một quá khứ vẻ vang và một tương lai càng rực rỡ”.
3 giờ chiều Bác với Đoàn từ giã A-gơ-ra đi Bom-bay (Mumbai, B.T.).
(còn nữa)
---------
- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.