Thư của L.T.

3 giờ chiều (9-2-1958) máy bay cất cánh từ A-gơ-ra (Agra, B.T.). Gần bảy giờ đến Bom-bay (Mumbai, B.T.). Ông Thủ hiến, các nhân viên cao cấp và nhiều đoàn thể nhân dân ra đón Bác và Đoàn ở sân bay. Cũng đeo vòng hoa, duyệt đội danh dự, cũng đọc lời chào mừng, cũng long trọng như những nơi khác. Bác cùng Đoàn đi về dinh Thủ hiến. Hai bên đường có hàng chục vạn nhân dân đón chào.

Bảy giờ rưỡi tối ông Thủ hiến chiêu đãi. Tiệc xong, có văn công múa hát rất vui.

Trước hết, anh hãy tóm tắt giới thiệu Bom-bay cho em biết. Bom-bay là một cửa biển lớn, chiều dài 18 cây số, chiều rộng nhất là 6 cây số. Có ba triệu nhân dân. Bom-bay lại là một thành phố công nghiệp, có hơn 1.000 nhà máy nhỏ và to.

Tục truyền rằng ngày xưa Bom-bay là một nơi có bảy hòn đảo nhỏ xúm xít gần nhau. Nhân dân chỉ làm nghề đánh cá. Bà tiên Cô-ly (Koli, B.T.) đặt tên cho nơi này là Mum-bay. Về sau đất bồi đã làm cho những hòn đảo ấy liền với nhau, mà Mum-bay cũng biến thành Bom-bay. Vì là một cửa biển phía tây của Ấn Độ, tàu bè các nước phương Tây đi lại buôn bán nhiều, cho nên Bom-bay đã trở nên một thành phố phồn thịnh. Nhưng cũng vì vậy mà Bom-bay và cả nước Ấn Độ đã thành miếng mồi ngon cho bọn thực dân gần 450 năm.

10-2-1958. Hôm nay chương trình hoạt động của Bác và Đoàn như sau:

- Đi xem Viện nuôi cá. Ở đây có rất nhiều giống cá to và nhỏ. Có những loại cá rất đẹp. Nhiệm vụ của Viện này là giúp nghiên cứu các giống tôm, cá ở biển, ở sông.

- Đi thăm nông trường nuôi trâu. Nông trường này tổ chức từ năm 1951, ở cách Bom-bay độ 30 cây số, trên một quãng đồi rất rộng. Nông trường này có gần 13 nghìn con trâu, chia làm 26 trại. Có nhà máy lọc sữa, cho sữa vào chai và 700 trạm ở ngoài phố để bán sữa cho nhân dân Bom-bay. Trâu đều là của tư nhân. Chính phủ chỉ phụ trách quản lý. Khi bán sữa rồi, Chính phủ tính số trâu mà trả tiền cho mỗi chủ, số tiền còn lại thì chi vào nhà máy, ruộng cỏ, lương công nhân, v.v..

Đến thăm nông trường này, anh mới biết sữa trâu ngon và béo hơn sữa bò. Thật là “đi một phiên chợ, học một mớ khôn” em nhỉ!

- Thăm Viện Nghiên cứu sức nguyên tử dùng vào sự nghiệp hòa bình. Viện này đang xây dựng trên một vùng đồi, quy mô lớn, nhà cửa nhiều. Ở đây có nhiều người khoa học Ấn Độ tuổi còn trẻ và thái độ rất khiêm tốn. Vì đang lúc xây dựng cho nên việc nghiên cứu cũng đang ở bước đầu.

- Sáu giờ chiều. Cuộc chào mừng của thị xã Bom-bay rất đông người, thân mật và long trọng. Sau đây là tóm tắt lời chúc mừng của ông Thị trưởng:

“Kính thưa Chủ tịch. Chúng tôi lấy làm rất vẻ vang được đón tiếp Ngài, và chúng tôi hoan nghênh Ngài với tất cả tấm lòng quý mến nhiệt liệt... Ấn Độ và Việt Nam luôn luôn đồng tình và ủng hộ lẫn nhau vì chúng ta là hai nước láng giềng ở châu Á. Việt Nam cũng như Ấn Độ, sau nhiều hy sinh và gian khổ mới giành được độc lập mấy năm gần đây. Cuộc đấu tranh của chúng ta đã ảnh hưởng lẫn nhau và ủng hộ lẫn nhau.

Là một trong những người kiến trúc sư xây dựng nước Việt Nam độc lập và dân chủ cộng hòa, Chủ tịch đã lấy được lòng yêu kính của nhân dân Việt Nam và của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

25 năm đấu tranh giải phóng và mười năm chiến đấu anh dũng để bảo vệ quyền tự do của đất nước, Việt Nam đã thành một lịch sử phi thường đầy kiên nhẫn hy sinh và tin tưởng. Lúc thanh niên, Ngài đã đi khắp các nước để tố cáo cho khắp thế giới biết những tội ác của thực dân. Ngài đã thành công tốt đẹp. Từ lao động như một người thủy thủ, một công nhân, một văn sĩ, một người viết báo, một lãnh tụ chính trị, một chiến sĩ du kích, kết cục là vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong chiến tranh cũng như lúc hòa bình, Ngài là ngọn đèn soi sáng đưa nhân dân Việt Nam đến một đời sống mới. Đức tính đặc biệt của Ngài là giản dị, cần cù và quan tâm đến mọi việc, đã thành những chuyện truyền tụng đồng thời là một vốn quý của nước Việt Nam. Nhiều việc cải cách xã hội đã được thi hành, và nó đang hướng Việt Nam chắc chắn tiến lên con đường hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng. Sự phát triển nông nghiệp và công nghiệp đã cải thiện đời sống của nông dân và công nhân, nhất là đời sống ở nông thôn. Việc giáo dục cũng được chú ý đến nhiều và số nhân viên công tác y tế cũng đã được tăng nhằm bảo vệ hơn nữa sức khỏe của quần chúng. Tất cả những việc đó, đã xây dựng một đời sống mới cho nhân dân Việt Nam. Ngài đã giảm bỏ những lễ tiết và hình thức của một vị Chủ tịch một nước. Ai cũng thấy rằng Ngài là một vị lãnh tụ của nhân dân với một lòng yêu thương không bờ bến đối với nhân dân...

Thưa Chủ tịch, Ấn Độ đang tiến vào kế hoạch 5 năm thứ hai và cũng đang chăm chú vào công việc xây dựng lại đất nước và nhất là nhân dân Bom-bay, đang hết sức chú ý theo dõi sự tiến bộ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Ngài. Chúng tôi chắc rằng cuộc đi thăm của Chủ tịch sẽ đưa hai nước chúng ta gần gụi nhau hơn nữa và càng làm phát triển năm nguyên tắc chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng sự cố gắng chung của chúng ta sẽ cống hiến nhiều cho sự tiến bộ của dân chủ và hòa bình thế giới...”.

(còn nữa)
---------
- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.