Thư của L.T.
Đọc xong, ông Thị trưởng Bom-bay (Mumbai, B.T.) trao cho Bác lời chào mừng ấy viết trên lụa điều, đặt trong một hộp ngà khảm bạc rất đẹp.
Sau đây là nội dung lời cảm ơn của Bác:
“Chúng tôi rất sung sướng được các bạn đón tiếp nhiệt liệt. Hàng chục vạn nhân dân Bom-bay, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng đã đứng chật các đường để chào mừng chúng tôi. Điều đó làm cho chúng tôi ghi nhớ mãi mối tình hữu nghị thắm thiết Việt - Ấn anh em.
Bom-bay là một thành phố rất quan trọng của nước Cộng hòa Ấn Độ, một trung tâm văn hóa, kỹ nghệ, khoa học. Lại là một cửa biển thông thương lớn.
Một điều nữa làm cho Bom-bay nổi tiếng trên thế giới, vì Bom-bay là quê hương của Thánh Găng-đi (Gandhi), người đã nêu cao đạo đức yêu nước, khắc khổ, nhẫn nại, suốt đời hy sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho hòa bình. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, B.T) và sự cố gắng của toàn dân Ấn Độ, từ ngày độc lập, nước Cộng để Ấn Độ đã trở nên một nước hùng mạnh. Trong sự nghiệp đó, nhân dân Bom-bay đã góp phần xứng đáng của mình...
Ngày nay thế giới đang đứng trước một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai lực lượng: Lực lượng chiến tranh và lực lượng hòa bình... Chiến tranh là mục đích của khối quân sự xâm lược. Lực lượng hòa bình gồm có tuyệt đại đa số nhân dân trên thế giới, trong đó có gần 400 triệu nhân dân Ấn Độ. Lực lượng ấy ngày càng lớn mạnh. Nhân dân thế giới ngày thêm đoàn kết, kiên quyết đấu tranh để giữ gìn hòa bình. Nhân dân thế giới ra sức tăng cường đoàn kết và đấu tranh thì hòa bình thế giới chắc chắn giữ được.
Trong công cuộc giữ gìn hòa bình thế giới, chúng tôi sung sướng nhận thấy các nước Á - Phi chúng ta giữ một vai trò quan trọng và Ấn Độ đã góp phần xứng đáng của mình.
Ngày nay 1.200 triệu nhân dân Á - Phi đã được giải phóng. Nhưng một số nước Á - Phi anh em vẫn còn đau khổ dưới gót sắt của thực dân, họ đang anh dũng đấu tranh cho tự do, độc lập. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn đồng tình và ủng hộ các dân tộc anh em đó.
Sau 8, 9 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân, Việt Nam đã giành được thắng lợi. Hội nghị Giơ-ne-vơ (Geneva, B.T.) đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng đến nay đất nước chúng tôi còn bị chia cắt làm hai miền, đó là vì sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Tuy vậy, chúng tôi tin chắc rằng cuộc đấu tranh cho thống nhất của Việt Nam nhất định thắng lợi.
Nhân dân Việt Nam luôn luôn biết ơn nhân dân Ấn Độ đã ủng hộ mình và luôn luôn ghi nhớ sự đồng tình và ủng hộ của Thánh Găng-đi, của Thủ tướng Nê-ru đối với cuộc kháng chiến của chúng tôi.
Trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, chống chủ nghĩa thực dân, nhân dân hai nước chúng ta luôn luôn sát cánh với nhau. Chúng ta đã đạp đổ bức tường thực dân trước đây ngăn cách chúng ta. Từ nay quan hệ giữa hai nước chúng ta ngày càng được thắt chặt. Chúng tôi tin rằng những quan hệ hữu nghị đó sẽ tăng cường mãi mãi...”.
Giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt, Bác biếu nhân dân Bom-bay hai bức hình bằng sơn mài Thánh Găng-đi và Thủ tướng Nê-ru.
8 giờ rưỡi tối, ông Thủ hiến chính thức chiêu đãi. Sau tiệc chiêu đãi có văn công biểu diễn.
Sáng ngày 11-2-1958, Bác và Đoàn đi thăm những nơi sau đây: Công viên Cam-la Nê-ru (kỷ niệm vợ Thủ tướng Nê-ru). Vườn này không to, nhưng rất xinh xắn. Ngày thường vườn này dành riêng cho trẻ em. Giữa vườn có một cái nhà hai tầng, làm giống một chiếc giày khổng lồ, trẻ em rất thích cái nhà ấy.
Vườn treo. Trước kia anh tưởng rằng vườn treo là một cái vườn treo lơ lửng giữa trời. Nay mới biết vì vườn này ở trên sườn đồi, và dưới đáy vườn có bể chứa nước, cho nên người ta gọi nó là vườn “treo”. Một người bạn Ấn nói rằng: Cách đây không xa, có cái “Tháp im lặng”, giống một cái bể cạn tròn, rất to, và rất cao. Người theo đạo Pát-si, nhà có người chết thì để xác vào đấy, do nắng mưa và chim quạ phụ trách chôn cất.
Đến thăm nhà hàng bán các thứ vải lụa dệt bằng tay, có những thứ rất đẹp, chứng tỏ rằng thủ công nghiệp của nhân dân Bom-bay rất khéo.
Đi thăm Viện khảo cổ. Viện này một phía thì có các loài thú, một phía thì có những đồ vật và những pho tượng đá làm cách đây hơn 2.000, 3.000 năm.
2 giờ chiều, Bác cùng Đoàn từ giã Bom-bay đi Băng-ga-lo.
Phong cảnh Bom-bay rất đẹp, nhất là ban đêm. Những đường cái sát bờ biển ban đêm đèn điện thắp sáng choang. Đứng xa trông thấy một dãy dài như chuỗi cườm óng ánh. Người ta gọi nó là “chuỗi ngọc của Hoàng hậu”. Vì trời nực, đêm khuya vẫn đông người đi hóng mát trên những con đường ấy.
(còn nữa)
---------
- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.