Thư của L.T.

11-2-1958, từ Bom-bay (tên cũ của Mumbai, B.T.) đến Băng-ga-lo (tên cũ của Bengaluru, B.T.) 840 cây số, đi máy bay độ 3 tiếng đồng hồ. Đúng 5 giờ chiều, Bác và Đoàn đến sân bay Băng-ga-lo. Lễ nghi đón tiếp do ông Thủ hiến bang May-o lãnh đạo, cũng thân mật và long trọng như các nơi khác.

6 giờ, Bác và Đoàn đến dự cuộc chào mừng của nhân dân Băng-ga-lo, tổ chức ở một công viên, trong một ngôi nhà lợp bằng kính, chứa được vài nghìn người.

Sau khi tỏ lời hoan nghênh nhiệt liệt, ông Thị trưởng nói tiếp: “... Như Thủ tướng Nê-ru kính mến của chúng tôi đã nói, Chủ tịch là một vĩ nhân, đã ảnh hưởng thời đại với đức tính giản dị và thành khẩn của Ngài. Chủ tịch là một người đại cách mạng, và nhờ uy tín của Ngài mà Việt Nam đã có địa vị hiện nay trên thế giới. Lòng yêu tự do, bình đẳng và sự hiểu biết của Chủ tịch đã làm cho Ngài thành một nhân vật lớn trên trường chính trị quốc tế...

Việt Nam có những điều giống nhau với Ấn Độ, vì cả hai đều là nước nông nghiệp với 90% số người là nông dân. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch, cuộc cải cách ruộng đất đã thay đổi hoàn toàn chế độ nông nghiệp ở Việt Nam, làm cho người cày có ruộng và đời sống nông dân được nâng cao. Việt Nam cũng đã tiến bộ trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, giáo dục, thương mại, v.v.. Khi đến Đê-li, lời tuyên bố của Chủ tịch đã tỏ rõ quan hệ của Việt Nam đối với các nước khác. Lời Chủ tịch khen ngợi Tổng thống và Thủ tướng của chúng tôi cũng như sự cống hiến của Ấn Độ trong sự nghiệp hòa bình đã tỏ rõ lòng Chủ tịch yêu quý đất nước chúng tôi. Chúng tôi tin rằng việc Chủ tịch đến thăm Ấn Độ sẽ củng cố hơn nữa tình thương yêu và lòng tin cậy giữa hai nước chúng ta...

Tôi xin tóm tắt giới thiệu thành phố Băng-ga-lo với Chủ tịch. Thành phố này cao 1.000 thước tây so với mặt biển, rộng độ 37 lý vuông, với 80 vạn nhân khẩu. Nhờ có khí hậu tốt, nguyên liệu nhiều, cho nên có khá nhiều công nghiệp, như xưởng làm máy bay, xưởng máy điện thoại, nhà máy cơ khí, v.v.. Do đó có nhiều vấn đề phải giải quyết. Nhưng với sự giúp đỡ của bang và của Chính phủ trung ương, chúng tôi đã giải quyết khá tốt các vấn đề ấy. Chúng tôi hết sức cảm ơn Chủ tịch đã đến thăm chúng tôi, và mong Ngài nhận món quà nhỏ mọn này, gọi là tỏ tình yêu quý và kính mến của chúng tôi đối với Chủ tịch và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...”.

Dứt lời, ông Thị trưởng trao tặng Bác một cái hộp bằng gỗ thơm bạch đàn khảm ngà voi - một thứ thủ công rất nổi tiếng ở đây. Tiếp theo là buổi văn công.

8 giờ rưỡi chiều, trong cuộc chiêu đãi chính thức, ông Thủ hiến nói đại ý như sau:

“Nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng đón tiếp nhiệt liệt Thủ tướng và Phó Tổng thống của chúng tôi, việc đó đã làm cho nhân dân Ấn Độ rất vui lòng và càng gần gũi thêm nhân dân Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi rất sung sướng có dịp chào mừng vị Chủ tịch của một nước đã có quan hệ hữu nghị rất thân thiết với chúng tôi... Đã từng nghe và biết sự cống hiến của Chủ tịch đối với hòa bình, nhân dân Ấn Độ rất tán thành cái danh hiệu mà Thủ tướng Nê-ru đã tặng Ngài là “Người hòa bình quốc tế”.

Hai nước chúng ta đã có quan hệ từ hai nghìn năm. Nhưng từ ngày các nước phương Tây tràn đến châu Á, mối quan hệ ấy đã bị gián đoạn trong một thời kỳ. Từ ngày giành lại quyền độc lập, chính sách của Ấn Độ là cố gắng giúp đỡ những nước láng giềng đang đấu tranh để chống ách áp bức. Nhân dân Ấn Độ đã rất quan tâm theo dõi cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam. Ấn Độ và Việt Nam đã kinh qua những cuộc phấn đấu và thử thách tương tự, cho nên chúng tôi luôn luôn đồng tình với Việt Nam.

Hôm vừa qua, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố rằng hiện nay lực lượng hòa bình mạnh hơn bao giờ hết, và có những điều kiện rất thuận lợi để bảo vệ hòa bình. Tôi tin rằng cuộc đi thăm của Chủ tịch đến Ấn Độ, vừa góp phần củng cố hòa bình thế giới vừa thắt chặt thêm nữa tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta. Nhân dân Ấn Độ rất hiểu nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam là thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do như Hiệp định Giơnevơ đã quy định... Thánh Găngđi - người cha dân tộc chúng tôi - đã dạy chúng tôi đấu tranh giành tự do bằng phương pháp hòa bình. Cho nên chúng tôi tin chắc rằng nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện được nguyện vọng của họ, vì đó là chính nghĩa.

Năm nguyên tắc chung sống hòa bình là chính sách của Ấn Độ. Chủ tịch thường nói rõ rằng Việt Nam hoàn toàn ủng hộ năm nguyên tắc ấy. Do đó Ngài đã chiến thắng những lực lượng độc ác và chiến tranh và đã làm cho cán cân nghiêng hẳn về phía hòa bình thế giới.

Tôi ước ao rằng Chủ tịch có thể lưu lại đây lâu hơn để thưởng thức phong cảnh tươi đẹp của xứ này và xem xét những kết quả đã đạt được trong kế hoạch 5 năm của chúng tôi; nhất là để thấy rõ lòng yêu mến và đồng tình của người dân xứ này đối với Việt Nam vĩ đại và đối với vị Chủ tịch vĩ đại và kính mến của nhân dân Việt Nam...”.

Với những lời thắm thiết từ đáy lòng, Bác thay mặt nhân dân và Chính phủ ta cảm ơn ông Thị trưởng, ông Thủ hiến và nhân dân Băng-ga-lo.

(còn nữa)

---------
- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.