Thư của L.T.
Chiều hôm qua (11-2-1958) khi Bác và Đoàn về đến dinh Thủ hiến, các đại biểu của nhiều đoàn thể nhân dân đã đến chào mừng và tặng hoa. Trong các đoàn thể ấy, có đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ, Tổng công đoàn Các-na-tác và nhiều tổ chức lao động khác.
9 giờ sáng ngày 12-2-1958, Bác và Đoàn đi thăm xưởng chế tạo máy ở ngoại ô Băng-ga-lo. Từ năm 1955, xưởng bắt đầu sản xuất. Năm 1957, kế hoạch định sản xuất 57 bộ máy. Nhưng do sự cố gắng của cán bộ kỹ thuật và công nhân, kết quả đã sản xuất được 135 bộ. Vì vậy, giá thành đã giảm được nhiều. Năm nay, xưởng định cố gắng sản xuất cho được 400 bộ. Kế hoạch 5 năm thứ hai dự định sản xuất mỗi năm 800 bộ. Xưởng bán các máy này cho cục xe lửa, cho Bộ Quốc phòng và các nhà máy nhỏ.
Xưởng có ban huấn luyện của mình để đào tạo những công nhân kỹ thuật. Anh em công nhân ở đây rất sung sướng về những thành tích đã đạt được. Bác đã nói với công nhân: “Tôi rất vui mừng về những cố gắng và những thành tích của anh em, vì nhân dân Việt Nam coi những tiến bộ của Ấn Độ cũng như tiến bộ của mình...”.
- 11 giờ đến xem Viện Nghiên cứu khoa học Ấn Độ. Từ ngày Ấn Độ giành lại độc lập, Viện này được mở rộng thêm nhằm mục đích phát triển kinh tế quốc dân. Theo báo cáo của ông Viện trưởng thì khoản thu nhập và sản xuất bình quân tính theo đầu người ở các nước (theo con số 1955) như sau:
Tên nước | Khoản thu nhập | Điện (kW) | Than (cân) |
Gang (cân) |
Liên Xô | 7.500 ru-pi | 850 | 1.380 | 260 |
Trung Quốc | 270 ru-pi | 20 | 150 | 5 |
Ấn Độ | 250 ru-pi | 22 | 100 | 4 |
Tiền chi phí về việc nghiên cứu khoa học bình quân mỗi đầu người, mỗi năm: Liên Xô: 110 ru-pi. Trung Quốc: 1,1 ru-pi. Ấn Độ: 0,15 ru-pi. (Năm nay những con số nói trên đã tăng lên nhiều hơn).
Kết luận là Ấn Độ phải đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế.
Viện này có thể gọi là viện bách khoa, nghiên cứu từ các loại vi trùng đến việc chế tạo ra-đa, máy bay, v.v. toàn Viện có hơn 20 chỗ thí nghiệm. Khi đến thăm nơi thí nghiệm điện, các thầy giáo và học sinh đã thử làm sấm, chớp cho Bác và Đoàn xem. Hai luồng điện rất mạnh từ hai ngả đến gặp nhau, toé ra những làn sóng lửa sáng loè như trời chớp. Cũng do luồng điện rất mạnh từ trên xuống và từ dưới lên nổ ra một tiếng vang dữ dội như tiếng sét đánh.
Đối với môn khoa học này, anh là i-tờ, xem thấy vậy chỉ biết có thú vị thôi. Anh nghĩ bụng rằng những người mê tín như ông B. và bà H. nhà ta nếu được xem thí nghiệm này, thì chắc rằng họ sẽ hết tin vào “thiên lôi, thiên tướng”.
Nơi nghiên cứu về máy bay có sáu cái hầm thử những luồng gió khác nhau để thí nghiệm và sửa đổi các kiểu cánh máy bay. Trong các hầm đó, họ nghiên cứu các tầng không khí, những hiện tượng thay đổi bất thường ở trên trời và sức cản của những thứ bay nhanh hơn tiếng dội. Còn nhiều phát minh và thí nghiệm rất hay, nhưng tiếc rằng anh không ghi chép kịp.
Sau khi đi thăm Viện nghiên cứu khoa học này, người ta thấy rằng khoa học Ấn Độ đã tiến bộ rất rõ rệt.
1 giờ rưỡi trưa, ông Thủ hiến và các nhân viên cao cấp đưa Bác và Đoàn ra sân bay để đi Can-cút-ta (tên cũ của Kolkata, B.T.).
Trên đường đi ra sân bay, Bác đã ghé thăm tượng của Thánh Găng-đi (Gandhi, B.T.) ở trong một vườn hoa rộng lớn. Theo tập quán của nước bạn, Bác đã kính cẩn choàng vòng hoa lên tượng Thánh Găng-đi, và trồng một cây hoa làm kỷ niệm.
Tại sân bay, sau khi duyệt đội danh dự và bắt tay từ giã ông Thủ hiến và các nhân viên cao cấp, Bác đọc lời từ biệt như sau:
“Thưa ông Thủ hiến, thưa các bạn, anh em chị em và các cháu thân mến.
Chúng tôi rất cảm ơn cuộc đón tiếp nhiệt liệt của các bạn. Tôi sung sướng chuyển đến các bạn lời chúc mừng hữu nghị nhất của nhân dân Việt Nam.
Các bạn đang thực hiện một nhiệm vụ to lớn là phát triển kinh tế và văn hóa theo kế hoạch 5 năm thứ hai. Chúng tôi rất vui lòng thấy những thành tích to lớn của các bạn và mong học tập những kinh nghiệm quý báu của các bạn.
Mối quan hệ lâu đời giữa nhân dân hai nước chúng ta đang phát triển tốt đẹp trên nền tảng năm nguyên tắc chung sống hòa bình. Chúng tôi tin rằng cuộc đi thăm của chúng tôi sẽ góp phần phát triển thêm nữa tình nghĩa anh em giữa nhân dân Ấn Độ và Việt Nam...”.
(còn nữa)
---------