Thư của L.T.

Em Hương thân mến,

Chiều 12-2-1958, Bác và Đoàn đến Can-cút-ta.

Với 3 triệu rưởi nhân khẩu, Can-cút-ta (tên cũ của Kolkata, B.T.) là một thành phố đông dân nhất của Ấn Độ, cũng là một thành phố buôn bán phồn thịnh nhất. Nhờ giao thông thuận tiện, mỗi năm hàng hóa ra vào có đến 9 triệu tấn, tức là một nửa tổng số buôn bán bằng đường sông, đường biển của Ấn Độ. Can-cút-ta lại là nơi nổi tiếng về hoạt động văn hóa, giáo dục. Thư viện chính của thành phố này có 8 triệu quyển sách. Trường đại học ở đây là trường lâu năm nhất của nước bạn. Viện bảo tàng có những đồ đạc lịch sử rất quý báu, từ 5.000 năm để lại, v.v.. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, Can-cút-ta càng nổi tiếng là một thành phố anh dũng.

Can-cút-ta cách Băng-ga-lo 1.545 cây số. 7 giờ chiều, máy bay Bác và Đoàn đến sân bay Đum-đum. Gọi là Đum-đum vì ngày xưa thực dân Anh có xưởng chế tạo đạn đum-đum ở đó. Nay người ta cứ quen gọi là đường phố Đum-đum, sân bay Đum-đum.

Lễ nghi đón tiếp cũng thân mật và long trọng như các nơi khác Bác và Đoàn đã đến thăm. Tuy trời đã tối, từ sân bay đến dinh Thủ hiến, suốt 12 cây số, hai bên đường bà con Ấn đón chào rất đông.

9 giờ sáng ngày 13. Bác và Đoàn đi thăm Trường thuốc nhiệt đới. Đây là nơi nghiên cứu các thứ thuốc và các thứ bệnh đặc biệt ở xứ nóng, như bệnh hủi, bệnh sốt rét, v.v.. Trường này thành lập từ năm 1920. Trường có 14 khoa về phương pháp vệ sinh, phòng bệnh và trị bệnh. Có những lớp bổ túc từ 3 đến 9 tháng. Có một nhà thương để cho học trò thực tập.

10 giờ đến thăm Viện Nghiên cứu Bôdơ. Ban đầu, Viện này chuyên môn nghiên cứu các thứ cây cỏ. Về sau phát triển việc nghiên cứu hóa học và vật lý học có liên quan với cây cỏ.

11 giờ rưỡi, đến thăm Viện thống kê. Ngày trước, đây chỉ là một phòng nghiên cứu nhỏ thuộc Trường đại học Can-cút-ta. Nay Viện đã phát triển thành một trung tâm thống kê rất rộng. Dưới sự hướng dẫn của Viện trưởng là bác sĩ Ma-ha-la Nô-bi-sơ có độ 800 người khoa học và chuyên gia giúp việc. Có những học sinh đến từ các nước Miến Điện (Myanmar, B.T.), Nhật Bản, Đại Hồi (Pakistan, B.T.), Thái Lan, v.v.. Bên cạnh những phòng nghiên cứu với phương pháp rất mới, như dùng máy điện, một giây đồng hồ có thể tính hàng nghìn con số; lại có những phòng thực tập thủ công, như đan dệt bằng tay. Phòng này do bà Ma-ha-la Nô-bi-sơ hướng dẫn. Ông Viện trưởng nói với Bác: “Tình hình kinh tế Ấn Độ hiện nay, một mặt phải tiến lên hiện đại hóa, nhưng một mặt vẫn phải cải tiến nghề thủ công để cho mọi người có cơm ăn, việc làm”.

4 giờ, Bác và Đoàn đến tham gia cuộc chào mừng của nhân dân thị xã Can-cút-ta. Trong lời hoan nghênh, ông Thị trưởng nói:

“Hỡi người chiến sĩ anh dũng trong cuộc đấu tranh cho tự do!

Chúng tôi thật là sung sướng được Ngài đến thăm thành phố Can-cút-ta to lớn, nó là một trong những thành phố tiên phong ở Ấn Độ và ở châu Á. Thành phố này đã nổi tiếng là cái nôi lịch sử trong những cuộc khởi nghĩa để giải phóng những người bị áp bức, đồng thời nó cũng là cái gia đình to lớn của khoa học, văn hóa và kinh tế ở phía này quả địa cầu. Thành phố này đã vang dội những nguyện vọng lớn của những người tiến bộ trên thế giới. Thành phố này cũng là cái sân khấu đã từng diễn những vở kịch vĩ đại trong cuộc đấu tranh của loài người để thoát khỏi vòng nô lệ. Can-cút-ta cũng là nơi sinh trưởng của những vĩ nhân như ông Mô-han-rôi, ông Ta-go-rơ... Trong khung cảnh ấy, chúng tôi dâng lên Ngài lời chào mừng thắm thiết và kính cẩn.

Hỡi người giải phóng vĩ đại của loài người! Dưới sự hướng dẫn gan góc, mạnh bạo và sự sáng suốt của sự lãnh đạo của Ngài trong lĩnh vực tư tưởng tiến bộ, những xiềng xích lâu đời của Việt Nam đã bị phá tan. Và xem đây này, một nền tảng chắc chắn của một chế độ xã hội, nhất trí và vững vàng, đã xây dựng ở đất nước mà Ngài là người lãnh đạo vĩ đại. Ở các tiền đồn ấy của công cuộc giải phóng, quần chúng của loài người sẽ hưởng một đời sống mới không bị bóc lột và giày vò. Trên con đường của Ngài đi đến tự do, chúng tôi là những người đồng chí trung thành của Ngài. Trong bước tiến để giải phóng hàng chục triệu nhân dân châu Á, chúng tôi cũng là những người bạn tin cậy của Ngài. Trong bước đường đấu tranh kiên quyết của Ngài để giải phóng nhân dân, kinh qua biết bao suối sâu, rừng rậm, sa mạc, núi cao, những bước đường đó ngày nay đã thành lịch sử. Kinh nghiệm vĩ đại của Ngài làm cho chúng tôi nhớ lại ông Su-ba Săng-đra là Tổng tư lệnh của lực lượng A-giát Hai đã chiến đấu gần biên giới Miến Điện để tiêu diệt lực lượng của đế quốc Anh...

Hỡi người chính trị vĩ đại của nhân dân! Cũng như người Cha vĩ đại của dân tộc chúng tôi là Thánh Găng-đi, Ngài là biểu hiện của một đời sống giản đơn, thanh cao và khắc khổ. Chúng tôi hết lòng cầu với Thượng đế rằng cuộc thăm viếng lịch sử của Ngài đến đất nước này, sẽ đúc nên những sợi dây chuyền vàng bằng hữu nghị để thắt chặt hai dân tộc chúng ta trong tình nghĩa anh em chói lọi...

Tình hữu nghị vĩ đại giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ tiêu diệt những tội ác như chiến tranh, thù oán, tham lam và chủ nghĩa thực dân độc ác...”.

(còn nữa)

---------

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.