Thư của L.T.

Đọc xong lời chào mừng, ông Thị trưởng tặng Bác một pho tượng Đức Phật bằng đồng và một bức vẽ trên lụa.

Sau những lời cảm ơn ông Thị trưởng, Ủy ban hành chính và nhân dân Can-cút-ta, Bác nói tiếp:

“Nhân dân Can-cút-ta và Băng-gan đã góp phần xứng đáng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ, đã có nhiều vị anh hùng liệt sĩ và cũng đã anh dũng đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Băng-gan còn là một trung tâm văn hóa của nước bạn, là quê hương của đại văn hào Ta-go (Rabindranath Tagore, B.T.) mà cả thế giới đều kính trọng...”.

Về tình hình thế giới, Bác nói: “Hiện nay ở châu Á và châu Phi, nhiều nước đã được độc lập. Trên bản đồ Á - Phi, phạm vi thống trị của thực dân ngày càng bị thu hẹp. Chắc chẳng bao lâu nữa, mặt trời tự do, độc lập sẽ đánh tan nốt đêm tối chủ nghĩa thực dân... Miền Goa phải trở về với nước Cộng hòa Ấn Độ, miền Tây I-ri-ăng phải trở về với nước Cộng hòa Nam Dương”.

Về tình hình nước ta, Bác nói: “Ở Việt Nam yêu quý của chúng tôi, đế quốc đang âm mưu chia cắt lâu dài đất nước chúng tôi làm hai miền. Nhưng nhân dân Việt Nam kiên quyết đoàn kết và đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình như Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (Geneva, B.T.) đã quy định. Chúng tôi cảm ơn nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã góp phần vào việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, cảm ơn những cố gắng của Ủy ban Quốc tế do Ấn Độ làm Chủ tịch trong việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ ở Việt Nam...”.

Giữa những tiếng vỗ tay nhiệt liệt, Bác tặng nhân dân Can-cút-ta hai bức hình bằng sơn mài của Thánh Găng-đi và Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, B.T.).

Chắc em cũng nhớ rằng ở Băng-gan, hàng vạn thanh niên học sinh đã bãi khóa và công nhân đã bãi công để ủng hộ cuộc kháng chiến của ta. Trong cuộc bãi khóa rầm rộ đó, cảnh sát Anh đã bắn chết một em nữ học sinh và làm nhiều học sinh bị thương nặng. Một anh thanh niên bị bắn què hồi đó, đã đến tham gia buổi chào mừng hôm nay. Khi được Bác hôn, anh ấy ứa nước mắt, không nói nên lời và mọi người đều rất cảm động.

Bác và Đoàn đến thăm Hội Ma-ha-bo-di. Hội này thành lập từ năm 1891 nhằm mục đích truyền bá đạo Phật khắp thế giới. Hiện nay có hơn 500 hội viên suốt đời và 500 hội viên thường.

Khi đến nơi, Bác và Đoàn do các vị Hòa thượng đưa lên lầu trên là nơi thờ Đức Phật.

(Trong các vị này có sư Thích Minh Châu là người Việt Nam đã cùng với một cụ Hòa thượng người miền Nam sang nước bạn tham gia lễ kỷ niệm Phật Đản năm thứ 2.500. Cụ Hòa thượng ấy đã mất và chôn ở Đê-li. Khi ở Thủ đô nước bạn, Bác đã nhờ cụ Phó Thủ tướng Phan Kế Toại và đồng chí Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đến viếng mộ).

Lễ Phật xong, Bác và Đoàn cùng bà Thủ hiến đến dự mít-tinh hoan nghênh; có thiện nam tín nữ rất đông. Chương trình lễ hoan nghênh gồm có:

Các học sinh Trường Phật hát bài hoan nghênh.
Ông Tổng thư ký Hội Ma-ha-bodi đọc lời chào mừng.
Bà Thủ hiến phát biểu ý kiến.
Bác trả lời cảm ơn.
Hội tặng Bác một số sách Phật.
Học sinh hát bài hoan tống.
Lời chào mừng của ông Sri Valisnha đại ý như sau:

“Kính thưa Chủ tịch. Hội viên của Hội Ma-ha-bo-di, là một tổ chức với mục đích truyền bá văn hóa đạo Phật và liên lạc các Phật tử ở các nước, chúng tôi kính cẩn và nhiệt liệt hoan nghênh Ngài.

Như một vị ẩn sĩ chân chính, Chủ tịch đã hy sinh suốt đời cho nhân dân và Tổ quốc Ngài; Chủ tịch đã từ bỏ những hào nhoáng lộng lẫy của địa vị Chủ tịch một nước. Cũng như Hoàng đế Asoka, một vị Phật tử đầy lòng hy sinh, Chủ tịch đã nêu cao trước thế giới một lý tưởng mà chỉ có thể thực hiện bởi một người có đầy lòng tin tưởng.

Gan dạ bất khuất của Ngài chống lại chủ nghĩa thực dân, nghị lực của Ngài làm việc không biết mỏi, ý chí thiết tha của Ngài đối với học hỏi và tự do, đã làm cho Ngài lao động không quản công tác gì, như một người khuân vác, như một người rửa ảnh, một người thợ vẽ, một người viết báo, một người học tiếng, một người trí thức, một người lãnh tụ cách mạng. Thân thế kỳ diệu của Chủ tịch, từ quê hương của Ngài cho đến chức vụ Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đáng cho mọi người noi gương. Chủ tịch thật là một người kiêm cả công, nông, trí thức cách mạng với một lòng đầy từ bi là đạo đức quý nhất của những tín đồ Phật giáo.

Các Phật tử Ấn Độ chúng tôi rất lấy làm tự hào mà xem Ngài là một người con của một nước đã có quan hệ mật thiết về văn hóa và tín ngưỡng hơn 2.000 năm nay với nước Ấn Độ chúng tôi...

Chúng tôi nhiệt liệt mong rằng với những cố gắng hòa bình của Ngài, miền Bắc và miền Nam Việt Nam sớm được thống nhất. Chúng tôi tin chắc rằng quá khứ vẻ vang của đất nước Ngài sẽ mau chóng khôi phục, làm cho quan hệ văn hóa giữa nước Việt Nam tự do và nước Ấn Độ tự do được phát triển và củng cố...”.

(còn nữa)

---------
- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.