Thư của L.T.

À, anh quên nói với em một điều: Ở nước bạn thường có tên người rất dài, ví dụ: tên ông Thủ hiến Ca-sơ-mia (Kashmir, B.T.) là Xa-đa-ri Ri-sa Y-u-va-ra Ka-rang Xing. Tên ông Thủ hiến May-o là Ma-ha-ra-ga Sri Gia-i-a Sa-ma-ra-gia Va-đi-i-a Ba-ha-đu.

Bác và Đoàn cùng ông Bộ trưởng Văn hóa đi thăm nhà của đại thi sĩ Ta-go (Rabindranath Tagore, B.T). Trong nhà, các phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc, v.v. đều sắp đặt như lúc Người còn sống. Có một gian phòng làm nơi thờ thi sĩ, Bác và Đoàn đặt hoa và mặc niệm một lúc. Rồi sang thăm nhà bảo tàng bên cạnh, để những sách vở của thi sĩ và những bức vẽ của người anh. Nơi này, có ban huấn luyện múa, nhạc và kịch cho các học sinh con gái.

Khi tiếp đại biểu các báo chí, Bác nhấn mạnh mấy điểm:

Cảm tình mật thiết của Chính phủ và nhân dân nước bạn đối với Bác, Đoàn và nhân dân ta.
Sự tiến bộ nhanh chóng và tương lai vẻ vang của nhân dân Ấn Độ.
Năm nguyên tắc chung sống hòa bình là nền tảng tốt để giải quyết công bằng mọi vấn đề giữa các nước.
Nhân dân ta quyết tâm đoàn kết đấu tranh thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình.

Tiếp theo đó, Bác trả lời những câu hỏi của các ký giả. Một đại biểu báo Mỹ hỏi: “Xin Chủ tịch cho biết ý kiến Ngài về vấn đề Ca-sơ-mia?” [1]. Bác trả lời: “Nếu nói đến Ca-sơ-mia thì cũng phải nói đến Đê-li, Băng-g-alo, Bom-bay, v.v.. Như thế thì sẽ phải nhiều thì giờ lắm!”. Câu trả lời ấy làm các ký giả cười ồ lên.

8 giờ rưỡi tối. Cô Pa-ma-gia (Hoa Sen) Nai-đu, Thủ hiến Băng-gan mở tiệc chiêu đãi rất long trọng. Trong lời từ biệt Bác và Đoàn, bác sĩ Roy (Thủ tướng bang Băng-gan đã ngoài 70 tuổi) nói những câu rất thắm thiết như: “Hồ Chủ tịch đã tổ chức và lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh giành tự do độc lập cho Tổ quốc mình. Trong lịch sử nhân dân châu Á, Ngài là một nhân vật đặc biệt vĩ đại... Đời sống khắc khổ và đức tính khiêm tốn của Chủ tịch làm cho nhân dân các nước Đông-Nam Á đặc biệt yêu mến Ngài... Chủ tịch chẳng những là biểu hiện cho sự đoàn kết của nhân dân châu Á, mà còn là một lãnh tụ của hòa bình, một người ủng hộ mạnh mẽ Panch Sheela” [2].

Trong lời cảm ơn, Bác nói: “... Trong chín ngày vừa qua, sau khi đi thăm Đê-li, Ba-cơ-ra và nhiều nơi khác, qua những cuộc gặp gỡ với Tổng thống Pra-xát kính mến, Thủ tướng Nê-ru kính mến và các nhà lãnh đạo khác, cùng các tầng lớp nhân dân nước bạn, chúng tôi càng thấy rõ mối tình hữu nghị thân thiết giữa nhân dân hai nước chúng ta... Chúng tôi cũng đã thấy rõ đất nước Ấn Độ, rất giàu có và tươi đẹp, nhân dân Ấn Độ rất khéo léo và cần cù, các nhà khoa học và kỹ sư Ấn Độ rất nhiều tài năng và cố gắng. Các bạn đã hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, và đã thu được nhiều thành tích trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Chúng tôi coi thắng lợi của các bạn như là thắng lợi của chúng tôi. Chúng tôi thành tâm chúc các bạn thu được nhiều kết quả to lớn hơn nữa.

... Ở Việt Nam chúng tôi, sau tám, chín năm kháng chiến, hòa bình đã được lập lại. Nhưng đến nay, do sự can thiệp của nước ngoài, nước chúng tôi chưa được thống nhất. Nhưng chúng tôi tin rằng với sức xây dựng vững chắc của miền Bắc, lực lượng đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam, tinh thần kiên quyết và sự đoàn kết chặt chẽ của nhân dân cả nước, với sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân Ấn Độ và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, sự thống nhất đất nước chúng tôi nhất định sẽ thành công...”.

Sau bữa tiệc, có các đoàn múa hát nổi tiếng ở các địa phương trong bang Băng-gan biểu diễn.

Trước khi tham gia tiệc chiêu đãi, Bác đã nói chuyện từ biệt bà con Ấn Độ bằng máy truyền thanh. Đại ý như sau: “Chúng tôi rất vui lòng được nói chuyện với tất cả bà con Ấn Độ. Cuộc đi thăm hữu nghị của chúng tôi ở nước Ấn Độ vĩ đại đã đạt kết quả tốt đẹp... Trong cuộc đi thăm này, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ các vị lãnh tụ kính mến của các bạn, anh chị em công nhân ở nhà máy, bà con dân cày ở nhiều nông thôn, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, v.v.. Chúng tôi thấy ai ai cũng đầy lòng yêu nước và hăng hái làm việc để xây dựng một nước Ấn Độ giàu mạnh. Ở đâu chúng tôi cũng nghe những tiếng nói hữu nghị và hòa bình, những lời thắm thiết chúc cho nước Việt Nam chúng tôi mau chóng thống nhất...

Mười ngày thấm thoắt quá nhanh. Tục ngữ có câu: “Khi buồn bã thì thời gian đi rất chậm, khi vui vẻ thì thời gian đi rất nhanh”. Với sự đón tiếp nhiệt liệt, với sự tổ chức chu đáo, với sự săn sóc tận tình của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ, chúng tôi thấy thời gian đi rất nhanh. Chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh tươi đẹp của nước Ấn Độ anh em và mối tình hữu nghị nhiệt liệt của bà con Ấn Độ đối với chúng tôi. Khi về nước, chúng tôi sẽ báo cáo lại những điều tai nghe mắt thấy và sẽ chuyển tất cả những lời chào thân ái của bà con Ấn Độ cho đồng bào Việt Nam chúng tôi...

Chúng tôi thành thật cảm ơn tất cả bà con Ấn Độ. Cuối cùng sa-sa Hồ gửi các cháu nhi đồng Ấn Độ nhiều cái hôn.

Tình anh em giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ấn Độ bền vững muôn năm!...”.

(còn nữa)

---------

[1] Đại Hồi (tức Pakistan - B.T) đang tranh chấp Ca-sơ-mia (Kashmir) với Ấn Độ. Nhà báo Mỹ cố ý đặt câu hỏi về nội trị của Ấn Độ cho Bác khó trả lời (T.G).

[2] Tiếng Ấn, Panch Sheela nghĩa là năm nguyên tắc chung sống hòa bình (T.G).

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.