Thư của L.T.

Đê-li, ngày 5-2-1958

Can-cút-ta (Kolkata, BT) cách Đê-li (Delhi, BT) 1.316 cây số.

Để đón Bác, Tổng thống Pra-xát (Rajendra Prasad, BT) đã phái đến Can-cút-ta một tổ liên lạc để đi với Bác suốt những ngày Bác ở thăm Ấn Độ. Trong tổ gồm có: ba viên trung tá và thiếu tá, đại biểu cho hải, lục, không quân; một người phụ trách báo chí; một người chụp ảnh; một người quay phim; ông Sê-na-pa-ti phụ trách bảo vệ; và đại tá Đét-păng-đi, Bí thư quân sự của Phủ Tổng thống làm trưởng tổ liên lạc kiêm lễ tân. Đại tá Đét-păng-đi và ông Sê-na-pa-ti phục vụ rất tận tụy và rất kín đáo. Hai người luôn luôn ở cạnh Bác, nhưng trong mấy trăm bức ảnh đăng ở các báo không hề có hình ảnh của hai người.

Máy bay của Bác và Đoàn đến cách Đê-li độ 100 cây số, thì có tám chiếc máy bay quân sự ra đón.

Đến Đê-li vừa đúng 12 giờ trưa.

Khi Bác và Đoàn từ máy bay bước xuống, có 21 phát đại bác bắn chào, nhưng tiếng hoan hô của quần chúng hầu như đã che lấp tiếng súng.

Sân bay bố trí rất long trọng và xinh đẹp, quốc kỳ hai nước Việt-Ấn tung bay rợp trời. Từ chỗ máy bay đỗ đến rạp tạm nghỉ đều trải bằng thảm đỏ. Mái rạp rất rộng lớn làm bằng những bức thêu kết lại. Dưới đất thì phủ bằng những tấm thảm nhiều màu sắc. Chung quanh rạp là những chậu hoa đẹp và thơm.

Bên tay phải có một rạp khác, dành cho các quan khách đến đón. Tổng thống Pra-xát, Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, BT) và con gái là bà In-đi-ra Găng-đi (Indira Gandhi, BT) đến tận cầu thang máy bay đón Bác và Đoàn một cách rất thân mật. Các em nhi đồng ríu rít chạy lại tặng hoa.

Tổng thống và Thủ tướng đang đi kinh lý các tỉnh xa, ngày hôm qua mới về Thủ đô để đón Bác và Đoàn. Dù cảm gió, khản cổ, nhưng Tổng thống vẫn cố gắng đến sân bay đón Bác.

Bác và Đoàn đi bắt tay các Bộ trưởng, các đại biểu Quốc hội, các tướng lĩnh, các vị trong Đoàn ngoại giao...

Đội nhạc danh dự cử quốc ca hai nước Việt-Ấn.

Bác đi duyệt đội danh dự gồm có hải, lục, không quân.

E rằng Tổng thống quá mệt, Bác kiên quyết khuyên mãi, cụ Pra-xát mới chịu về nghỉ. Trước khi thay mặt Tổng thống đọc lời hoan nghênh, Thủ tướng Nê-ru nói: Hồ Chủ tịch là một nhà đại cách mạng phi thường trong thời đại này. Người luôn luôn giải quyết những vấn đề khó khăn với nụ cười trên môi...

Lời hoan nghênh của Tổng thống như sau:

Thưa Chủ tịch,

Tôi rất lấy làm sung sướng được hoan nghênh Chủ tịch lần đầu tiên Ngài đến thăm nước chúng tôi. Tất cả chúng tôi hoan nghênh Ngài như một đại chiến sĩ cho tự do, như một vị lãnh tụ thân mến và như Chủ tịch của một nước bạn là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ấn Độ luôn luôn quan tâm đến sự giải phóng của những dân tộc bị nước ngoài thống trị trái với ý muốn của nhân dân. Sau khi đã giành được tự do, sự quan tâm của chúng tôi trở nên sự đồng tình tích cực, dù rằng chúng tôi cũng có những sự hạn chế của chúng tôi.

Chúng tôi vô cùng sung sướng thấy Chủ tịch đến với chúng tôi. Nhân danh Chính phủ, nhân dân Ấn Độ và cá nhân tôi, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh Ngài. Tôi mong rằng những ngày Ngài ở lại Ấn Độ sẽ là những ngày vui vẻ và có kết quả. Và Ngài sẽ có dịp đi thăm những cố gắng của chúng tôi đã làm được để xây dựng tương lai tươi đẹp cho đất nước chúng tôi...”.

(Còn nữa)

---------

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.