.

Thư của L.T.

Răng-gun, 14-2-1958

Em Hương,

“Kẻ ở người về, tình quyến luyến thật là thắm thiết”.

“Cờ bay lệnh nổ, lễ tiễn đưa rất mực oai nghi”.

Khi Bác và Đoàn rời Can-cút-ta (tên cũ của Kolkata, B.T.), một đồng chí cán bộ đã ngâm nga tả cảnh như vậy. Nhưng anh không hoàn toàn “khuyên” câu đối ấy vì nó chưa tả hết được tinh thần cuộc tiễn đưa.

- 7 giờ rưỡi sáng hôm nay, Bác ngồi xe trần cùng cô Thủ hiến và Thủ tướng Roy, có 10 xe mô-tô đi hai bên bảo vệ. Các vị trong Đoàn và anh em cán bộ đi 13 chiếc xe hơi. Tiếp theo là đoàn xe 28 vị Bộ trưởng và Thứ trưởng; 17 vị lãnh sự các nước trong đó có lãnh sự các nước Brê-din, Pê-ru... (Nam Mỹ) cùng bốn đại biểu phái đoàn thương mại nước ngoài; ông Thị trưởng và sáu vị Ủy viên trong Ủy ban hành chính Can-cút-ta, v.v.. Còn rất nhiều xe những bạn quen biết khác kéo dài hơn một cây số.

Từ Phủ Thủ hiến đến sân bay, quốc kỳ hai nước xen lẫn nhau tung bay trước gió. Nhân dân Can-cút-ta đứng chật hai bên đường, trên các tầng lầu, các mái hiên, các nóc nhà. Họ nhiệt liệt vỗ tay và hoan hô: “Hồ Chí Minh jindabad!” “Hindi - Việt Nam bhai bhai!”. Bác thường phải đứng dậy trên xe để chào lại bà con Ấn. Một người bạn Ấn Độ bảo anh rằng: “Ít ra cũng có một triệu người”.

Đến sân bay, chào quốc ca hai nước, rồi Bác đi duyệt đội danh dự, thân mật bắt tay các quan khách và các nhân viên Ấn Độ đã đi với Bác trong mười hôm vừa qua. Bác hôn cô Thủ hiến và bác sĩ Roy, vẫy tay chào quần chúng, rồi bước lên máy bay giữa tiếng vỗ tay lẫn tiếng dội vang trời của 21 phát đại bác. Một phi công Ấn cứ tắc lưỡi khen ngợi: “Một cuộc hoan tống thật là vĩ đại! Vĩ đại!”.

- 8 giờ 15 phút, máy bay cất cánh đi Răng-gun (Rangoon-Thủ đô cũ của Myanmar, B.T.). Chào nước Ấn Độ vĩ đại! Chào nhân dân Ấn Độ anh em! Chúng tôi sẽ luôn luôn nhớ yêu các bạn! Hindi!

Can-cút-ta  cách Thủ đô Miến Điện 1.025 cây số. Một giờ chiều thì đến Răng-gun. Khi cách Răng-gun độ 100 cây số, có máy bay quân sự Miến Điện đến đón và hộ vệ.

Lúc Bác và Đoàn bước xuống sân bay, có 21 phát đại bác chào mừng.

Đến đón Bác tận máy bay, có Tổng thống U Vin Môn, Thủ tướng U Nu, các Phó Thủ tướng U Ba Xuê, U Kyan Nyein và Thakin Tin, Viện trưởng Pháp viện tối cao và Chủ tịch Quốc hội. Bác và Tổng thống chào quốc kỳ và duyệt đội danh dự. Các em nhi đồng hăm hở chạy lại dâng hoa. Có hơn 3.000 đại biểu các đoàn thể nhân dân ra đón ở sân bay hoan hô nhiệt liệt, nhất là các em học sinh và nhi đồng.

Vào đến phòng tiếp khách, Tổng thống giới thiệu các vị Bộ trưởng, Thị trưởng Răng-gun, nhân viên cao cấp của Chính phủ, và các lãnh sự. Sau đó, Tổng thống đọc lời chào mừng:

“Kính thưa Chủ tịch,

Thật là một hân hạnh đặc biệt cho tôi được nhiệt liệt hoan nghênh Chủ tịch và các vị cùng đi với Ngài. Chính phủ và nhân dân Miến Điện hết sức vui mừng Ngài đã có thể sang thăm nước chúng tôi. Chúng tôi mong đợi Ngài đã lâu ngày. Nhân dân Miến Điện tôn kính và hâm mộ Chủ tịch, chẳng những vì rằng Ngài đã suốt đời trung thành phấn đấu cho độc lập tự do của nhân dân các nước thuộc địa, mà còn vì sự cống hiến cao cả của Ngài như một vị lãnh tụ vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng và giải phóng ở Đông-Nam Á châu. Do phẩm cách đáng kính, tấm lòng cương trực và thái độ khiêm tốn của Chủ tịch, Ngài sẽ chinh phục lòng yêu của mọi người nhân dân Miến Điện; và cuộc đến thăm của Ngài sẽ củng cố thêm nữa tình hữu nghị sẵn có giữa hai nước chúng ta.

Tôi biết rằng bất kỳ đến đâu ở nước chúng tôi Chủ tịch cũng được nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt. Tôi ước ao rằng trong thời gian ngắn ngủi Ngài lưu lại với chúng tôi, Chủ tịch sẽ vui lòng và thư thái...”.

(còn nữa)

---------

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.