Thư của L.T.

8 giờ sáng (15-2-1958), Bác và Đoàn cùng Phó Thủ tướng U Ba Xuê lên máy bay đi thăm bang San (Shan). 9 giờ rưỡi đến trường bay Hê-ho (Hého).

Liên bang Miến Điện có sáu dân tộc to và nhiều dân tộc thiểu số, cũng có dân tộc Mèo, Dao, Lô-lô như ở miền Bắc nước ta. Trong sáu dân tộc to, Miến là to nhất với 14 triệu người, Sin (Shin) là nhỏ nhất với 20 vạn người, San là hạng vừa với một triệu rưỡi người, ở về cao nguyên phía Bắc.

Ông Sao Kun Kiô, Thủ hiến bang San kiêm Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cùng các nhân viên cao cấp ra đón ở sân bay, rồi đưa Bác và Đoàn đến bến Yung-guy (Yaunghwe), lên thuyền “Chim phượng”. Thuyền này làm giống hình một con chim phượng hoàng, có 12 chiếc thuyền con và dài với 500 người chèo bằng một chân một tay bơi trước kéo nó. 12 giờ rưỡi đến hồ In-lê (Inlé) xem đua thuyền. Thiên hạ đến xem rất đông, rất vui như một ngày hội lớn.

3 giờ, trở lại bến Yung-guy. Từ đó đến thành phố Tao-guy (Taunghwe) độ 50 cây số. Trên đường, đi qua các làng đều có cổng chào, nhân dân cầm cờ, cầm hoa, thổi kèn đánh trống đón mừng. Đến Tao-guy, hầu hết nhân dân thành phố kéo ra đón chào nhiệt liệt, nhất là các đoàn học sinh và nhi đồng Miến, San, Ấn Độ và Hoa kiều.

Chiều tối, ông Thủ hiến mở tiệc chiêu đãi rất vui vẻ thân mật. Tiệc xong có múa võ và văn công địa phương.

Ở Răng-gun (Rangoon-Thủ đô cũ của Myanmar, B.T.) trời nực hơn 30 độ, mà ở đây trời rất mát vì Tao-guy cao hơn mặt biển 1.000 thước tây.

Sáng 16 trở về Răng-gun. Một giờ trưa, Bác và Đoàn cùng với các ông bà Tổng thống U Vin Môn, Thủ tướng U Nu và nhiều quan khách khác đi chơi tàu trên sông Hu-lê. Sông này rộng và sâu hơn sông Hồng ta, cách biển 25 cây số cho nên cũng là một cửa biển lớn, mỗi năm có hơn 1.600 chiếc tàu các nước vào ra, chuyên chở một triệu rưỡi tấn hàng hóa. Trong Thế giới chiến tranh lần thứ hai, cửa biển này bị phá hoại nhiều, trước thì bị bom Nhật Bản, sau lại bị bom Đồng minh. Từ ngày Miến Điện được độc lập, đã khôi phục lại nhiều.

- 5 giờ chiều, Bác tiếp đại biểu các báo chí.

- 7 giờ chiều, Bác và Đoàn chiêu đãi Tổng thống và Thủ tướng. Đến tham gia cuộc chiêu đãi có các vị trong Chính phủ, Quốc hội, Đoàn ngoại giao và các nhân sĩ khác. Nghe Bác nói cam là cam Bố Hạ, các cô, các bà đều vui vẻ lấy một quả làm kỷ niệm.

- 17-2-1958, 9 giờ rưỡi sáng, Trường đại học Răng-gun làm lễ tặng Bác danh hiệu “Bác sĩ luật học danh dự”.

Trường này thành lập từ năm 1920 để đào tạo cán bộ cho các ngành pháp luật, nông nghiệp, hóa học, giáo dục, y tế, v.v.. Hiện nay có độ 7.000 học sinh. Chắc em cũng biết rằng học sinh ở trường này đã đứng ra tổ chức hội “Ủng hộ Việt Nam thống nhất”. Khi Bác đến trường, anh em học sinh hoan nghênh cực kỳ nhiệt liệt.

Sau đây là tóm tắt lời chào mừng của ông Giám đốc khi trao bằng Bác sĩ danh dự cho Bác:

“Hôm nay Trường đại học Răng-gun rất hân hạnh đón tiếp một vị khách đặc biệt cao quý là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả học sinh, nhân viên và giáo sư ở đây đều biết Hồ Chủ tịch là một nhà triết học, một chiến sĩ hòa bình, một lãnh tụ cách mạng. Người đã đấu tranh suốt đời cho tự do của các dân tộc bị áp bức, Người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đưa nhân dân Việt Nam từ chỗ tối tăm đến cuộc đời hạnh phúc. Chúng ta đã lo âu theo dõi cuộc kháng chiến của Việt Nam chống bọn thực dân, và đã sung sướng thấy cuộc kháng chiến ấy thắng lợi một cách rực rỡ. Chúng ta đã khâm phục Hồ Chủ tịch lãnh đạo kháng chiến đến thắng lợi, thì trong sự nghiệp xây dựng hòa bình ở Việt Nam, chúng ta càng khâm phục sự lãnh đạo sáng suốt của Người.

Riêng cá nhân tôi, tôi hết sức cảm động khi được gặp Hồ Chủ tịch. Tôi đã ngắm nghía và theo dõi từ hành động đến lời nói của Người ở sân bay. Trong một cuộc chiêu đãi, tuy tôi lại được gặp Người trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng thấy rõ thêm một điều là con người vĩ đại ấy có một tấm lòng cao cả rộng lớn; có một đức tính giản dị, khiêm tốn, trìu mến, nó lập tức chinh phục được lòng yêu mến của mọi người. Tôi chắc rằng cảm tưởng và ý nghĩ của tôi cũng là của các bạn ở đây và của tất cả những người Miến Điện đã may mắn được gặp Hồ Chủ tịch. Đây là vị khách quý mà ngày hôm nay Trường đại học Rănggun được hân hạnh đón tiếp. Nhưng trường đại học của chúng ta còn có vinh dự hơn nữa là được trao tặng Hồ Chủ tịch một văn bằng cao nhất của trường này là văn bằng “Bác sĩ luật học danh dự”...”.

(còn nữa)

---------

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.