Thư của L.T.

Đê-li, ngày 6-2-1958

Em Hương, hôm qua, từ sáng sớm lên máy bay cho đến 10 giờ rưỡi tối tiếp khách xong, Bác và Đoàn hầu như không nghỉ ngơi chút nào. Tuy vậy mọi người đều rất khoan khoái. Còn về phần anh thì ghi chép nhiều, một quyển nhật ký đã gần hết giấy. Nhưng chưa biết bao giờ mới viết được hết để thuật lại tất cả mọi việc cho em hay. Thôi thì anh cứ viết dần dần vậy.

Hôm qua tại sân bay, đáp lại lời hoan nghênh của Tổng thống Pra-xát (Rajendra Prasad, BT), Bác nói đại ý như sau:

“Nhận lời mời của Tổng thống Pra-xát, chúng tôi rất sung sướng được đến thăm nước Cộng hòa Ấn Độ anh em. Chúng tôi chân thành cảm ơn sự đón tiếp long trọng và thân mật của các bạn. Chúng tôi xin chuyển đến các bạn và toàn thể nhân dân Ấn Độ anh em lời chào mừng thân ái của nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi đến đất nước vĩ đại của các bạn với sự đồng tình sâu sắc, nó đã gắn bó nhân dân hai nước chúng ta. Hiện nay hơn 1.200 triệu nhân dân Á-Phi, trong đó có 400 triệu nhân dân Ấn Độ đã được giải phóng. Đó là một sự kiện cực kỳ quan trọng. Ngày nay nước Cộng hòa Ấn Độ là một nước độc lập, đồng thời là một cường quốc đã có những cống hiến quý báu cho hòa bình ở châu Á và thế giới và Ấn Độ đang giữ một vai trò quan trọng trên trường quốc tế.

Sau tám, chín năm kháng chiến gian khổ để giải phóng đất nước, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi. Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève, BT) đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và đã công nhận chủ quyền, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn của Việt Nam. Ngày nay, nhân dân Việt Nam đang ra sức củng cố hòa bình, xây dựng đất nước và đấu tranh thống nhất Tổ quốc của mình.

Nước Cộng hòa Ấn Độ đã cống hiến nhiều trong việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, Ủy ban Quốc tế do Ấn Độ làm Chủ tịch đã cố gắng trong nhiệm vụ giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam luôn luôn biết ơn Chính phủ và nhân dân Ấn Độ.

Nhân dân Việt Nam rất sung sướng thấy rằng quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta ngày càng phát triển. Chúng tôi rất sung sướng được gặp Tổng thống Pra-xát và gặp lại Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, BT), một người bạn tốt mà nhân dân Việt Nam đã có hân hạnh đón tiếp ở Hà Nội.

Cuộc đi thăm của chúng tôi lần này sẽ giúp chúng tôi hiểu biết hơn nữa nhân dân Ấn Độ anh dũng đang ra sức xây dựng nước nhà; và chúng tôi sẽ học những kinh nghiệm quý báu của các bạn trong công cuộc xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa. Chúng tôi tin rằng cuộc đi thăm của chúng tôi sẽ củng cố thêm nữa tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai nước chúng ta và góp phần vào sự củng cố tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Á-Phi và bảo vệ hòa bình thế giới.

Một lần nữa, chúng tôi cảm ơn các bạn về cuộc đón tiếp nhiệt liệt này.

Tình hữu nghị bền vững giữa hai nước Việt-Ấn muôn năm!

Hòa bình ở châu Á và trên thế giới muôn năm!

Pansila muôn năm!”.

Bác vừa dứt lời thì mọi người vỗ tay và hoan hô sôi nổi.

(còn nữa)

---------

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.