Thư của L.T.

Sân bay Palam (em chớ đọc nhầm là “Gia Lâm” nhé!) cách thành phố 19 cây số. Hai bên đường cắm đầy quốc kỳ Ấn Độ và cờ đỏ sao vàng. Bác và Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, B.T) đi chiếc xe trần, kế đến xe hơi của Đoàn và hàng trăm chiếc xe của quan khách. Đoàn xe hơi kế tiếp nhau thành như một con rồng bơi giữa một cái biển hàng chục vạn người. Càng gần thành phố người càng đông thêm. Họ reo hò, vỗ tay, hô khẩu hiệu: “Jai Việt Nam!”, “Hồ Chí Minh jindabad!”, “Hindi - Việt Nam bhai bhai!”...[1].

Đến gần Phủ Tổng thống có đội lính cưỡi ngựa (đội bảo vệ của Tổng thống) ra đón. Ngựa con nào con ấy rất cao to. Người lính cũng cao to, đi giầy ống đen, mặc áo đỏ quần trắng, đầu bịt khăn thêu kim tuyến, tay cầm cây giáo dài, trông thật oai vệ.

Trước Phủ Tổng thống lại có thảm đỏ, có rạp thêu như ở sân bay. Một lần nữa đội nhạc cử quốc ca hai nước. Bác đi xe hơi đặc biệt để duyệt đội vệ binh.

Nghi lễ xong, Thủ tướng Nê-ru và bà In-đi-ra (Indira Gandhi, B.T) mời Bác và Đoàn vào nghỉ tại nhà khách trong Phủ Tổng thống, ở tầng thứ 3. Lâu đài này rộng thênh thang, rất nhiều phòng, nhiều cửa, nếu không có người dẫn đường thì rất dễ đi lạc.

2 giờ rưỡi đến 3 giờ rưỡi Thủ tướng Nê-ru và bà In-đi-ra cùng Bác và Đoàn ăn cơm trưa một cách thân mật như trong gia đình. Sau khi ăn cơm xong, bà con Ấn Độ cũng thường ăn trầu như bà con Việt Nam ta.

4 giờ 15 phút, Bác và Đoàn đi đặt vòng hoa ở Rajghat. Đây là một công viên rộng lớn làm nơi kỷ niệm, chứ không phải là mộ Thánh Găng-đi. Giữa công viên có đắp một cái bệ vuông rộng và cao. Đây là nơi mà mấy năm trước, lúc Thánh Găng-đi đang diễn thuyết thì bị một tên phát-xít ám sát. Trước khi lên bệ để đặt vòng hoa, mọi người đều cởi giày và đi chân không. Đó là theo phong tục Ấn Độ, khi đi vào nơi cúng lễ đều làm như vậy. Vòng hoa này đưa từ Hà Nội sang. Khi đặt vòng hoa và mặc niệm, Bác rất cảm động. Hai điều đó đã đồn khắp Đê-li (Delhi, B.T) và khắp Ấn Độ vì các báo đã đặc biệt nêu lên. Bác đã trồng một cây hoa đại (cũng đưa từ Hà Nội sang) ở công viên làm kỷ niệm.

Chúng ta còn nhớ rằng đầu năm 1947, Ấn Độ đang đấu tranh giành độc lập, mà Việt Nam ta thì đang bắt đầu kháng chiến. Tuy trong lúc nước bạn đang còn khó khăn, nhưng Thánh Găng-đi đã không quên kêu gọi nhân dân Ấn Độ “hoàn toàn đồng tình với nhân dân Việt Nam đang chiến đấu cho chính nghĩa”. Về sau, người tín đồ xuất sắc của Thánh Găng-đi là Thủ tướng Nê-ru luôn luôn đồng tình và ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta.

5 giờ chiều, Bác đi thăm Tổng thống Pra-xát (Rajendra Prasad, B.T). Sợ Tổng thống mệt, Bác định chỉ Bác và các vị trong Đoàn đến thôi. Nhưng cụ Pra-xát yêu cầu tất cả các anh em cán bộ ta cùng đến; rồi Cụ cùng mọi người chuyện trò và uống nước chè, thân mật như người trong nhà.

6 giờ, Thủ tướng Nê-ru đến thăm Bác. Hai vị lãnh tụ nói chuyện thân mật về tình hình thế giới và quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta.

7 giờ, ông Mơ-nông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm Bác.

8 giờ đến 10 giờ rưỡi, hai ông Bộ trưởng ăn cơm với Bác và Đoàn. Đó là cách sắp đặt khéo, để Bác và Đoàn có dịp tiếp xúc thân mật với các vị lãnh đạo trong Chính phủ nước bạn.

Sau đó, Bác còn ký nhiều quyển sổ kỷ niệm. Cũng như người phương Tây, bà con Ấn Độ thích xin chữ ký của những người có danh tiếng để làm kỷ niệm. Mới hôm đầu mà Bác đã nhận được rất nhiều quyển sổ xin chữ ký. Nhiều người ở địa phương xa cũng gửi thư và điện đến xin chữ ký của Bác.

(còn nữa)
---------
[1] Jai và Jindabad đều có nghĩa là muôn năm. Hindi nghĩa là Ấn Độ. Bhai bhai nghĩa là anh em (B.T).

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.