Thư của L.T.

Đê-li, ngày 6-2-1958

Bác và Đoàn hôm nay có một chương trình hoạt động nặng lắm em ạ. Em xem chương trình như sau:

Tham gia tiệc trà của “Ủy ban tiếp đón Hồ Chủ tịch”,
Thăm Viện Nghiên cứu khoa học vật lý,
Thăm Viện Nghiên cứu nông nghiệp,
Gặp Ủy ban Kế hoạch Nhà nước,
Nhân dân thành phố Đê-li (Delhi, B.T) chào mừng,
Tổng thống Pra-xát (Rajendra Prasad, B.T) chiêu đãi.

“Ủy ban đón tiếp Hồ Chủ tịch” là một tổ chức rộng rãi, gồm có nhiều vị đại biểu Quốc hội và nhân sĩ nổi tiếng ở Đê-li, không phân biệt xu hướng chính trị, đảng phái, tín ngưỡng.

Trước khi Bác đến Đê-li, Ủy ban đã kêu gọi nhân dân Thủ đô đi đón Bác cho đông.

4 giờ chiều hôm nay, Ủy ban mở tiệc trà chiêu đãi Bác và Đoàn. Nơi chiêu đãi là Câu lạc bộ Hiến pháp, có một cái rạp lớn cũng làm bằng những tấm thảm thêu kết lại, trang trí rất đàng hoàng. Độ 300 người tham gia, trong đó có nhiều vị trong Đoàn ngoại giao. Bầu không khí trong cuộc chiêu đãi rất là thân mật và vui vẻ. Chỉ tiếc rằng Chủ tịch Ủy ban là bà Ra-mếch Va-ry Nê-ru (Rameshwari Nehru, B.T) - một lãnh tụ phụ nữ và chị em họ của Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, B.T) - bị cảm không đến dự được.

Theo lệ thường, các vị phụ trách trong Ủy ban choàng hoa cho Bác và các vị trong Đoàn. Rồi các em học sinh trai và gái hát bài hoan nghênh. Ủy ban tặng Bác nhiều quyển sách về mỹ thuật Ấn Độ. Ngoài ra còn một món quà lạ: Một gia đình trẻ tuổi với ba cháu gái bé đã biếu Bác một con hươu con, thấy vậy mọi người cười ồ và vỗ tay nhiệt liệt.

Ông Chủ tịch trong buổi chiêu đãi đọc lời hoan nghênh đầy nhiệt tình.

Trong lời cảm ơn, Bác nói đại ý như sau:

“Tôi rất cảm ơn những lời khen ngợi thân ái của ông Chủ tịch. Song tôi không phải là anh hùng. Chính những người dân Việt Nam và Ấn Độ đã đoàn kết đấu tranh giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc mình - đó mới là những người anh hùng thật...

40, 50 năm trước đây, tôi đã đi từ Á sang Âu, từ Phi sang Mỹ, đâu đâu tôi cũng thấy những người đau khổ... Nhân dân Á-Phi thì bị bọn thực dân áp bức bóc lột. Nhân dân Mỹ da đen thì bị Mỹ da trắng đày đọa xem khinh. Nhưng ngày nay, do sự đấu tranh anh dũng của nhân dân, đêm tối áp bức đã bị đánh lui, mùa xuân tự do tươi sáng đã đến. Nhiều nước Á-Phi đã giành được chủ quyền độc lập. Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để đấu tranh chống nghèo nàn và dốt nát, để xây dựng một cuộc sống mới, hạnh phúc, hữu nghị và hòa bình...”.

Bác kết luận bằng khẩu hiệu: Năm nguyên tắc chung sống hòa bình muôn năm!

Thủ tướng Nê-ru vì bận việc cho nên đến chậm. Bà con yêu cầu Thủ tướng phát biểu ý kiến. Thủ tướng nói đại ý:

“Tôi không có nhiệm vụ trong cuộc chiêu đãi này, nhưng tôi cũng cố gắng đến tham gia vì là chiêu đãi Hồ Chủ tịch... Hồ Chủ tịch là một nhân vật đặc biệt, tính rất giản đơn nhưng lòng rất rộng rãi. Hôm qua khi từ sân bay về, Hồ Chủ tịch nói với tôi rằng Ngài có đem từ Hà Nội sang một vòng hoa và một cây đại để đặt và trồng ở nơi kỷ niệm Thánh Găng-đi. Ngài còn nói thêm rằng cũng có đưa vòng hoa và cây đào để kỷ niệm ông cụ thân sinh tôi. Hồ Chủ tịch gặp ông cụ thân sinh tôi ở Thủ đô nước Bỉ năm 1927 trong cuộc Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân. Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và cách đây đã lâu năm mà Hồ Chủ tịch còn nhớ đến cụ thân sinh tôi. Đó tuy là một việc bình thường nhưng nó chứng tỏ một cách rõ rệt phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch...”. Nghe Thủ tướng Nê-ru nói, mọi người rất cảm động.

Em Hương ạ, một người bạn Ấn Độ cho anh biết rằng Ủy ban đón tiếp này và cuộc chiêu đãi như thế này là một sự kiện đặc biệt, lần này mới có để đón tiếp một quý khách đặc biệt là Bác Hồ của chúng ta.

(còn nữa)
---------

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.