Thư của L.T.

Em Hương ạ, hôm nay, khi Bác và Đoàn đi thăm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Viện Nghiên cứu nông nghiệp và Viện Nghiên cứu khoa học, thì anh vì bận công việc, không đi được, tiếc quá!

6 giờ chiều, Bác và Đoàn đi dự cuộc chào mừng của thị xã Đê-li (Delhi, B.T), tổ chức ở “Thành Đỏ” (Lal Qila, B.T). Đó là cung điện đồng thời là đại bản doanh của vua chúa cổ xây dựng từ năm 1639. Lâu đài phía trong đều làm bằng đá trắng rất lộng lẫy. Tường vách ngoài thì đều màu đỏ, cho nên gọi là “Thành Đỏ”.

Từ Phủ Tổng thống đến Thành Đỏ, hai bên đường, người đứng chật ních đón chào Bác và Đoàn. Khi bước vào trong Thành Đỏ, anh có cảm tưởng như đi vào một cảnh bồng lai. Chung quanh lâu đài và khắp các bồn hoa và cây cối đều treo đầy những đèn điện xanh, đỏ, vàng, tím, trắng. Từ cổng vào đến chỗ khai hội, hàng chục cổng chào kết bằng hoa, bằng lụa và đèn điện, liên tiếp nhau thành một hành lang đủ sắc, đủ màu... Một khung cảnh cực kỳ đẹp mắt...

Toàn thể ủy viên hành chính thị xã và hàng nghìn công dân Thủ đô đã chờ đón sẵn. Khi Bác và Đoàn cùng Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, B.T), ông Thị trưởng và bà Phó Thị trưởng đi vào, mọi người đứng dậy hoan hô nhiệt liệt. Các cô nữ học sinh hát bài hoan nghênh. Ông Thị trưởng đọc lời chào mừng, đại ý như sau:

“Kính thưa Chủ tịch. Tôi rất sung sướng được thay mặt nhân dân Thủ đô Đê-li nhiệt liệt hoan nghênh Ngài. Chúng tôi chẳng những hoan nghênh Ngài vì Ngài là một vị Chủ tịch của một nước bạn có quan hệ với Ấn Độ đã từ lâu đời, mà còn vì Ngài là một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại... Ngài đã đấu tranh suốt đời giành tự do và hạnh phúc cho nhân dân, chống lại sự thống trị của đế quốc...

Thánh Găng-đi đã dạy chúng tôi đấu tranh bằng phương pháp hòa bình và tình bạn. Mười năm trước đây, Thánh Găng-đi đã bị một tên phản động ám sát, nhưng hình ảnh của Người vẫn sống mãi trong lòng chúng tôi. Tình thương yêu của nhân dân đối với Người và nước Ấn Độ tự do do Người đã xây dựng - đó là tấm bia bất diệt của Thánh Găng-đi...

Cũng như Ấn Độ, chúng tôi đã chịu đựng nhiều năm đau xót trước khi giành được tự do, Chủ tịch và nhân dân Việt Nam đã kinh qua bao nhiêu gian khổ để đi tới giải phóng. Những cuộc đấu tranh ấy đã làm cho nhân dân hai nước chúng ta đoàn kết và càng hiểu biết nhau.

Chúng tôi thiết tha với hòa bình... Trên thế giới ngày nay, hòa bình lâu dài là một điều cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Khi người ta đã phát minh những thứ vũ khí kinh khủng như hiện nay, thì những người có trí khôn không ai muốn có chiến tranh. Chúng tôi tin rằng năm nguyên tắc chung sống hòa bình là chính sách đúng đắn mà các nước cần thực hiện. Trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, chúng tôi chắc rằng hai nước chúng ta sẽ hợp tác hết sức chặt chẽ...

Chúng tôi rất biết ơn Chủ tịch đã đến với chúng tôi, và xin Chủ tịch chuyển lời chào hữu nghị của chúng tôi cho nhân dân Việt Nam anh em...”.

Trong lời cảm ơn, Bác nói:

“Nhân dân Việt Nam đã sung sướng được hoan nghênh Thủ tướng Nê-ru và Phó Tổng thống Ra-đa-kri-snan (Radhakrishnan). Lần này chúng tôi rất sung sướng được sang thăm nước Ấn Độ vĩ đại, quê hương của Đức Phật và của Thánh Găng-đi. Chúng tôi được Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đón tiếp long trọng và thân mật. Hôm nay lại được gặp các bạn ở đây, tôi xin thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm ơn các bạn, và gửi tới toàn thể anh chị em công dân Ấn Độ và Thủ đô Đê-li lời chào thân thiết nhất.

Nhân dân hai nước chúng ta đã có quan hệ anh em từ lâu đời... Dưới ách thống trị của thực dân, quan hệ ấy tạm bị gián đoạn trong một thời kỳ. Nhưng tình hữu nghị cổ truyền vẫn luôn luôn gắn bó hai dân tộc chúng ta.

Ngày nay, Ấn Độ là một nước hùng mạnh, đóng một vai trò quan trọng trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thủ tướng Nê-ru, một vị lãnh tụ lỗi lạc, các bạn đã thu được nhiều thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước, phát triển nền văn hóa tốt đẹp có truyền thống lâu đời và phát triển một nền kinh tế tự chủ... Những điều ấy chứng tỏ rằng khi một dân tộc đã được độc lập, thì có đủ khả năng xây dựng một đời sống ngày càng tươi đẹp. Chúng tôi mừng các bạn về những thành tích tốt đẹp đã thu được trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, và chúc các bạn thu được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai.

Cùng với nước Ấn Độ vĩ đại, nhiều nước Á-Phi đã thoát khỏi ách thực dân, trở thành những nước độc lập. Nhân dân Trung Quốc đang hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân dân các nước Đông-Nam Á và Trung, Cận Đông đã vùng dậy, kiên quyết giành lại và bảo vệ quyền tự do độc lập của mình. Nhân dân châu Phi đang anh dũng đấu tranh chống ách đế quốc. Chế độ thực dân đang tan rã không gì cứu vãn được. Thời kỳ bọn thực dân làm mưa làm gió đã qua rồi...

Trong phong trào chống chủ nghĩa thực dân, Ấn Độ đã góp một phần to lớn, Việt Nam cũng đã góp phần nhỏ của mình. Nhân dân Việt Nam đã đấu tranh hơn 80 năm chống thực dân Pháp và đã kháng chiến gian khổ trong tám, chín năm trường. Kết quả nhân dân Việt Nam đã thắng bọn thực dân. Việc đó chứng tỏ rằng một dân tộc biết đoàn kết nhất trí, quyết tâm chiến đấu, và được sự ủng hộ của nhân dân thế giới, thì cuối cùng nhất định thắng lợi. Hiệp nghị Giơnevơ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam...

Hiện nay, nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân Việt Nam là thống nhất Tổ quốc bằng tổng tuyển cử tự do như Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (Genève, B.T) đã quy định. Nhưng vì âm mưu của đế quốc và bọn tay sai của chúng cho nên nước Việt Nam đến nay chưa được thống nhất. Nước Việt Nam là một, từ Nam đến Bắc chung một tiếng nói, một lịch sử, một văn hóa và một nền kinh tế. Nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều xương máu để đấu tranh cho tự do độc lập, quyết không một lực lượng nào ngăn cản được sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của mình. Chúng tôi tin chắc rằng cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của chúng tôi nhất định thắng lợi...

Chúng tôi đấu tranh cho hòa bình. Vì có hòa bình chúng tôi mới có điều kiện xây dựng đất nước... Chúng tôi hết sức tán thành năm nguyên tắc chung sống hòa bình mà Thủ tướng Nê-ru là một trong những người đề xướng. Chúng ta cần có hòa bình để xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân và con cháu chúng ta...

Phong trào đấu tranh cho hòa bình đang lan rộng khắp thế giới. Nhân dân thế giới đều đòi phải chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang, đòi tài giảm binh bị, cấm sản xuất và cấm dùng vũ khí nguyên tử và khinh khí, đòi giải tán các khối quân sự xâm lược, thủ tiêu các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Nhân dân các nước đòi mở cuộc hội nghị những người đứng đầu chính phủ các nước để giải quyết các vấn đề quốc tế bằng phương pháp thương lượng hòa bình đặng làm dịu tình hình thế giới. Chắc rằng ý nguyện hòa bình của nhân dân thế giới nhất định sẽ thắng mọi âm mưu gây chiến...

Chúng tôi sung sướng nhận thấy trong cuộc đấu tranh chung cho hòa bình thế giới, cho độc lập dân tộc, nhân dân hai nước chúng ta sát cánh với nhau, cùng nhau theo đuổi mục đích chung. Chúng tôi chắc rằng nhân dân Ấn Độ mong cho Việt Nam sớm thống nhất, cũng như nhân dân Việt Nam mong cho vùng Goa sớm trở về trong đại gia đình Ấn Độ...

Chúng tôi tin chắc rằng cuộc đi thăm nước Cộng hòa Ấn Độ lần này của chúng tôi càng thắt chặt thêm nữa tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các nước Á-Phi và củng cố hòa bình ở châu Á và thế giới.

Một lần nữa chúng tôi xin gửi lời chào thân ái của chúng tôi và của nhân dân Thủ đô Hà Nội đến toàn thể anh chị em công dân Thủ đô Đê-li...”.

Trong cuộc hoan nghênh này đã xảy ra một chuyện rất thú vị: Trên đài Chủ tịch, ở giữa hàng đầu có một cái ghế sơn son thếp vàng, bọc nhung đỏ, giống như một cái ngai vàng. Mặc dù ông Thị trưởng và Thủ tướng Nê-ru cố mời Bác ngồi “ngai” ấy, Bác nhất định từ chối. Thấy thái độ khiêm tốn của Bác, quần chúng nhiệt liệt tán thành, họ đứng cả dậy vỗ tay và hoan hô “Hồ Chí Minh jindabad [1]!”. Cuối cùng phải thay một cái ghế khác, Bác mới ngồi. Sau chuyện đó, các báo đã viết: Hồ Chủ tịch đã xóa bỏ một hình thức lễ tân bằng một cử chỉ rất dân chủ...

(còn nữa)
---------

[1] Jindabad có nghĩa là muôn năm.

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.