Thư của L.T.

8 giờ chiều (6-2-1958), bắt đầu cuộc chiêu đãi của Tổng thống. Cụ Pra-xát (Rajendra Prasad, B.T) mệt không đến được, do Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, B.T) thay mặt. Tại Phủ Tổng thống, trong nhà và ngoài vườn đều trang hoàng lộng lẫy như ngày Tết. Dự tiệc này độ 100 người, gồm có các vị lãnh đạo trong Chính phủ và Quốc hội, Đoàn ngoại giao và những nhân sĩ nổi tiếng. Tiệc đến nửa chừng, Thủ tướng Nê-ru đọc lời chúc mừng của Tổng thống Pra-xát, đại ý như sau:

“Tôi rất vui mừng được hoan nghênh Hồ Chủ tịch... Chúng ta hoan nghênh Chủ tịch, một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sĩ vĩ đại cho tự do...

... Bị đè nén lâu năm dưới sự thống trị của nước ngoài, chúng tôi biết sự giải phóng chính trị là quý nhường nào, vì vậy chúng tôi luôn luôn đồng tình với các dân tộc để thoát khỏi ách thống trị với ngoại quốc. Với sự quan tâm và đồng tình, chúng tôi đã theo dõi những sự biến đổi ở Việt Nam.

Cuộc biến đổi ấy đã kết thúc với Hội nghị Giơ-ne-vơ (Genève, B.T) năm 1954. Chúng tôi mong rằng tình trạng hiện nay sẽ kết thúc với sự thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hòa bình trên nền tảng dân chủ.

... Nhiều thế kỷ trước đây, Ấn Độ đã có quan hệ mật thiết với các nước Đông-Nam Á, kể cả Việt Nam, về văn hóa, xã hội và tôn giáo. Chúng tôi càng sung sướng nhớ lại thời kỳ quá khứ mà hai nước chúng ta đã có những quan hệ hữu nghị thắm thiết, vì chúng ta đưa thêm tình nghĩa ấy vào tương lai, để làm cho mối quan hệ và ý nguyện chung là xây dựng kinh tế trong nước và củng cố hòa bình trên thế giới - sẽ tạo thành những quan hệ mới giữa chúng ta, làm cho tình hữu nghị sẵn có giữa nhân dân hai nước Ấn - Việt càng phát triển và củng cố.

Cũng như Việt Nam... từ ngày giành được chính quyền về mình, Ấn Độ đang ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Tôi mong rằng trong những ngày ở lại Ấn Độ, Chủ tịch sẽ có dịp thăm một vài việc xây dựng ấy... Tôi tin chắc rằng việc Chủ tịch đến thăm nước chúng tôi sẽ đưa lại sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa nhân dân Ấn Độ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”...

Lời cảm ơn của Bác đại ý như sau:

... “Khi đến đất nước Ấn Độ vĩ đại, chúng tôi rất sung sướng được thăm quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới... Nền tảng và truyền thống của triết học Ấn Độ là lý tưởng hòa bình, bác ái. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật và khoa học Ấn Độ đã lan khắp thế giới.

Nhưng thực dân đã xâm lược nước Ấn Độ hàng trăm năm... Để giành lại độc lập tự do của mình, nhân dân Ấn Độ đã anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Hiện nay Ấn Độ là một nước lớn giữ một vai trò ngày càng quan trọng trên thế giới, đã đóng góp nhiều vào việc giữ gìn hòa bình, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa các nước trên năm nguyên tắc chung sống hòa bình...

Hiện nay lực lượng hiếu chiến trên thế giới đang âm mưu xô đẩy loài người vào một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc. Nhân dân thế giới chán ghét và căm thù chiến tranh; không ngừng đấu tranh để giữ gìn và củng cố hòa bình. Trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, Ấn Độ đã có nhiều cống hiến lớn. Lực lượng hòa bình hiện nay mạnh hơn bao giờ hết và có khả năng ngăn ngừa chiến tranh... Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất hoan nghênh mọi sáng kiến và mọi cố gắng nhằm làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Thủ tướng Nê-ru tán thành đề nghị của Liên Xô về việc những người đứng đầu các nước mở hội nghị nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế và lòng tin cậy lẫn nhau để giữ gìn hòa bình thế giới. Chúng tôi cũng phản đối tất cả các khối quân sự xâm lược. Chúng tôi tán thành việc tổng tài giảm quân bị, việc cấm vũ khí nguyên tử và khinh khí...

Hiện nay nước Việt Nam chúng tôi, vì sự can thiệp của đế quốc mà việc thống nhất đất nước chưa được thực hiện bằng tổng tuyển cử tự do như Hiệp nghị Giơ-ne-vơ đã quy định...

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai chia cắt được. Chúng tôi kiên quyết phấn đấu để thực hiện thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình... Chúng tôi tin chắc rằng nước Việt Nam nhất định sẽ được thống nhất... Trong cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, Chính phủ và nhân dân chúng tôi luôn luôn biết ơn sự đồng tình và ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ anh em... Chúng tôi tin chắc rằng cuộc đi thăm Ấn Độ lần này của chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta đồng thời góp phần vào việc củng cố và phát triển khối đại đoàn kết của các nước Á-Phi...”.

Tiệc này thức ăn giản đơn và ngon lành; không nhiều thứ nhiều món bề bộn như các cuộc chiêu đãi của ta. Trong các cuộc chiêu đãi ở Ấn Độ đều uống nước lã, không dùng rượu. Đó là một điều mà chúng ta nên bắt chước.

Sau bữa tiệc có một giờ văn công, múa rất giỏi, hát rất hay. Các chị em nghệ sĩ hát bài Quốc ca của ta rất rõ, rất đúng. Bác và Thủ tướng Nê-ru đã tặng hoa cho các anh chị em nghệ sĩ.

Những bài diễn thuyết chào mừng và cảm ơn, anh chỉ viết cho em những đoạn anh ghi chép được, chứ không phải cả nguyên văn.

(còn nữa)
---------

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.