Thư của L.T.

9 giờ sáng (7-2-1958), các em học sinh trai và gái, thuộc đoàn thể “Kỷ luật quốc dân”, tổ chức một cuộc biểu diễn để hoan nghênh Bác và Đoàn. Cùng đi có Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, B.T.), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và nhiều nhân sĩ khác. Đoàn thể này mới thành lập bốn năm nay, nhằm mục đích bồi dưỡng thanh niên và nhi đồng thành những người mạnh khỏe, yêu nước và có kỷ luật.

Hôm nay, 3.000 em chia làm 28 đội do các đội trưởng tý hon chỉ huy. Chương trình gồm có:

Hoan hô Tổ quốc ba lần.

Tập các động tác.

Diễu qua trước đài Chủ tịch, vừa đi vừa hát.

Các điệu múa dân gian.

Thể thao trèo cột.

Hoan hô Bác ba lần.

Hát quốc ca Việt và Ấn.

Trong đám các em gái bé dâng hoa, có một em mù hai mắt được Bác ẵm lên. Em ấy sờ râu sờ má Bác, rồi ôm chặt lấy Bác một cách rất âu yếm. Mọi người trông thấy đều cảm động.

Các em biểu diễn khéo và hát hay, được mọi người vỗ tay khen ngợi.

Sau cuộc biểu diễn, Bác thân mật dặn dò các em: Học tập siêng năng, giữ gìn trật tự, bảo vệ sức khỏe, nghe lời Bác Nê-ru. “Mai sau các cháu sẽ thành những đội quân hùng mạnh để xây dựng Tổ quốc, bảo vệ hòa bình...”.

Bác nói thêm: “Đối với các cháu, bác là Bác Hồ, chứ không phải là Cụ Chủ tịch”. Nghe vậy các em vừa vỗ tay, vừa hoan hô “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Một em chạy lên biếu Bác hai cái kẹo.

10 giờ rưỡi, Bác và Đoàn đi xem Tháp Qut-Minar (Qutub Minar, B.T.). Tháp này xây dựng từ năm 1199. Cao 76 thước tây. Có năm tầng. Ba tầng dưới xây bằng đá đỏ, hai tầng trên bằng đá trắng. Từ nền tháp đến chóp có 379 bậc thang đá. Đứng trên đỉnh tháp trông thấy toàn bộ phong cảnh Thủ đô Đê-li.

Cách tháp mươi thước là di tích của nhà thờ Quvat-ul-islam (Quwwat ul-Islam, B.T.), xây từ năm 1193. Tuy đã 765 năm, những rường cột chạm trổ rất khéo vẫn còn nguyên vẹn. Điều đó chứng tỏ rằng từ xưa nghệ thuật xây dựng của Ấn Độ đã rất tinh vi.

Giữa sân nhà thờ có một cái cột sắt tròn trồng trên một cái bệ. Cột sắt cao độ 7 thước. Tuy đã trải qua hơn 1.500 năm mưa nắng, cột sắt không có chút sét gỉ nào, vì nó là chất sắt thuần tuý 100%.

Ngay sau cuộc đi thăm, cả Thủ đô Đê-li đồn rằng Bác thật là anh hùng, lý do là: Xưa nay các quý khách đến xem, trẻ cũng như già, chỉ đứng dưới sân nhìn lên, không ai trèo đến đỉnh tháp, nay Bác đã lên đến tầng cao nhất - Cho nên Bác là anh hùng!

12 giờ rưỡi, Thủ tướng Nê-ru mời Bác và Đoàn ăn cơm ở dinh Thủ tướng. Bữa ăn này rất thân mật và vui vẻ, không có lễ tiết ngoại giao. Ngoài Bác và Đoàn, có độ 50 vị bạn thân của Thủ tướng.

Sau bữa tiệc, ông M. Nát, Thư ký Hội xi-nê trẻ con, đã biếu Bác một cuộn phim về trẻ em Ấn Độ.

Khi trở về Phủ Tổng thống, Bác xuống xe, đi bộ. Vì vậy, anh em bảo vệ thì rất lúng túng. Bà con đi đường thì rất vui mừng, họ chạy theo hoan hô Bác, như một cuộc biểu tình.

3 giờ đến 4 giờ, Bác tiếp hơn 50 đại biểu các báo Ấn Độ, Anh, Mỹ...

Đối với nước ta, báo chí nước bạn có cảm tình rất tốt. Lâu trước ngày Bác đến Ấn Độ, nhiều báo đã đăng những bài hoan nghênh, ảnh và tiểu sử của Bác, cuộc kháng chiến anh dũng và thành tích trong việc xây dựng hòa bình của quân và dân ta. Nhiều báo đăng cả thơ, ca và phong tục Việt Nam. Mấy hôm nay, các báo đăng những bài dài thuật lại những hoạt động của Bác với nhiều lời ca tụng.

Trong cuộc tiếp xúc hôm nay, trước hết, Bác đọc lời tuyên bố đã viết sẵn, nội dung gồm có:

- Cảm ơn sự đón tiếp long trọng và thân mật của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ anh em.

- Chính phủ và nhân dân ta ủng hộ và thực hiện năm nguyên tắc chung sống hòa bình.

- Chống chủ nghĩa thực dân; ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Á-Phi; ta chủ trương An-giê-ri (Algeria, B.T.) phải được độc lập, xứ Goa phải trở về Ấn Độ, Tây I-ri-ăng trở về Nam Dương, Đài Loan trở về Trung Quốc.

- Chống chiến tranh, chống vũ khí nguyên tử, chống các khối quân sự xâm lược.

- Nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình...

Rồi Bác trả lời một loạt câu hỏi (các báo đã gửi đến trước) về:

- Thành tích xây dựng kinh tế và chính sách ngoại giao của nước ta.

- Sự đóng góp của ta trong công cuộc giữ gìn hòa bình thế giới, v.v..

Sau đó, Bác trả lời mười mấy câu hỏi (mới tiếp được) của đại biểu một tờ báo Mỹ. Vài ví dụ:

- Nhân dân Việt Nam coi nhân dân Mỹ là bạn của mình; chúng tôi chống là chống chính sách can thiệp của đế quốc Mỹ.

- Dù là nhỏ xíu, quả vệ tinh Mỹ đã phóng được cũng góp phần vào sự phát triển của khoa học và Bác mong cho khoa học hòa bình của Mỹ tiến bộ.

- Thành tích to nhất của nhân dân Việt Nam là đã giành được tự do, độc lập.

- Trong thời kỳ kháng chiến, quân đội Việt Nam đã lấy được nhiều vũ khí Mỹ cung cấp cho Pháp. Thế là Mỹ đã gián tiếp cung cấp vũ khí cho quân đội Việt Nam.

- Về câu hỏi: Phải chăng Liên Xô và Trung Quốc khống chế Việt Nam? Bác nói: “Tôi xin lỗi các bạn, câu hỏi này hơi nghếch ngác ngây thơ...”.

Suốt trong cuộc nói chuyện, nhiều lần các ký giả đã cười ồ và vỗ tay, vì những câu trả lời lý thú của Bác.

Nhiều anh em nhà báo nói: Đã lâu, mới có một cuộc tiếp các nhà báo vui vẻ và cởi mở thế này.

(còn nữa)
---------
- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.