Thư của L.T.

5 giờ chiều (7-2-1958) Bác đến từ biệt Tổng thống. Cụ Pra-xát (Rajendra Prasad, B.T.) tặng Bác một cây bồ đề nhỏ. Tiếng Ấn Độ cũng gọi bồ đề là “bodi” như tiếng ta. Lạ thật em nhỉ!

Cây bồ đề này rất quý vì là chồi non của cây bồ đề cổ thụ đã chứng kiến Đức Phật đắc đạo.

Nhân dịp này, Bác mời Tổng thống sang thăm nước ta. Cụ Pra-xát cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời.

6 giờ, Bác và Đoàn đến thăm “Hội những người Ấn nghiên cứu tình hình thế giới”. Đến dự cuộc gặp gỡ này có hơn 300 người trí thức, chính trị và khoa học. Sau đây là tóm tắt những điểm nói chuyện của Bác:

Lịch sử độc lập và thống nhất lâu đời của nước ta. Cuộc đấu tranh trường kỳ chống thực dân Pháp. Sự nghiệp thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân ta đã thắng lợi: Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (Genève, B.T.) đã chấm dứt chiến tranh, công nhận chủ quyền, độc lập và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta... Bác nghiêm khắc lên án chính sách can thiệp của đế quốc Mỹ hòng biến miền Nam thành một thuộc địa, một căn cứ quân sự của Mỹ. Sự đoàn kết và quyết tâm của nhân dân ta đấu tranh giành thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở những điều kiện hợp tình, hợp lý của Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc và Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

Về chính sách ngoại giao, Chính phủ và nhân dân ta chủ trương hợp tác thân thiện với các nước trên nền tảng năm nguyên tắc chung sống hòa bình.

Bác nêu rõ những thành tích của ta về xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa từ ngày hòa bình được lập lại.

Về tình hình thế giới, Bác nói: Hiện nay lực lượng hòa bình lớn mạnh hơn bao giờ hết và đủ sức ngăn chặn chiến tranh. Tuy vậy, phe đế quốc vẫn đeo đuổi âm mưu gây chiến. Cho nên, nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình cần phải nâng cao cảnh giác, kiên quyết chống chiến tranh, chống các khối quân sự xâm lược, chống thử bom nguyên tử và khinh khí... Tinh thần Hội nghị Băng-đung (Hội nghị Á-Phi tổ chức tại thành phố Bandung của Indonesia tháng 4/1955, B.T.) và kết quả tốt đẹp của Đại hội Lơ-ke (Hội nghị Á-Phi tổ chức tại Thủ đô Cairo của Egypt tháng 9/1957, B.T.) vừa rồi làm cho nhân dân Á-Phi thêm đoàn kết, thêm hùng mạnh, thêm kiên quyết chống chủ nghĩa thực dân, thêm hăng hái giữ gìn hòa bình thế giới.

Bác kết luận: Mặc dù có nhiều khó khăn, song với sức đoàn kết và quyết tâm của mình, với sự ủng hộ của 400 triệu nhân dân Ấn Độ và sự đồng tình của nhân dân thế giới, nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất.

Trước khi vào đề, Bác nói: “Báo cáo này hơi dài. Bao giờ các bạn không muốn nghe nữa xin cứ nói thật, tôi sẽ kết thúc”. Mọi người cười và vỗ tay.

Đọc xong bản báo cáo, Bác nói thêm: “Việt Nam thống nhất không những ích lợi cho chúng tôi mà còn ích lợi cho các bạn, vì các bạn sẽ khỏi tốn công nghiên cứu một vấn đề phức tạp. Và cũng ích lợi cho vị Chủ tịch kính mến của chúng ta đây (ông Cơ-rít-sna Ma-sa-ri là Chủ tịch hội này và Chủ tịch cả Ủy ban Kế hoạch Nhà nước). Vì Việt Nam thống nhất, mỗi năm sẽ có thể bán sang Ấn Độ hơn một triệu rưởi tấn gạo để giúp giải quyết một phần vấn đề lương thực...”. Mọi người lại cười ồ và vỗ tay nhiệt liệt.

Thuật lại cuộc nói chuyện này, nhiều báo Ấn viết: “Thái độ thật thà và khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy được cảm tình của mọi người đến nghe hôm nay”.

- 7 giờ, Bác và Thủ tướng Nê-ru (Jawaharlal Nehru, B.T.) ký bản tuyên bố chung. Văn kiện quan trọng này sẽ đăng ở các báo, anh không ghi chép ở đây.

- 7 giờ rưỡi, Bác chiêu đãi và từ biệt Tổng thống, Thủ tướng và các bạn ở Đê-li (Delhi, B.T.). Sau khi tỏ lời cảm ơn Tổng thống, Thủ tướng và nhân dân Đê-li, Bác nói tóm tắt: “Trong nhiều vấn đề quan trọng, các bạn Ấn Độ và chúng tôi đều đồng ý với nhau. Điều đó chứng tỏ rằng quan hệ anh em giữa hai nước chúng ta ngày càng phát triển và củng cố hơn nữa... Và do đó, sẽ giúp thắt chặt thêm nữa tình đoàn kết giữa các nước Á-Phi và tăng cường lực lượng bảo vệ hòa bình thế giới”.

Thay mặt Tổng thống Pra-xát, Thủ tướng Nê-ru trả lời đại ý như sau: “Hồ Chủ tịch là một người có độ lượng rộng rãi. Ngài vừa nói với tôi Ngài đã “phải lòng” Đê-li; như thế là cần phải có một quả tim rất to... Sự thật thì nhân dân Đê-li cũng đã “phải lòng” Ngài. Trong ba ngày Hồ Chủ tịch ở đây, đã có nhiều cuộc mít-tinh và cuộc trao đổi ý kiến, nhiều khi bằng tiếng nói, nhiều khi không cần đến tiếng nói. Chúng ta có người trao đổi bằng tiếng nói, có người trao đổi bằng cảm tình. Chúng ta đã tiếp xúc với một người mà người ấy là một bộ phận của lịch sử châu Á. Chúng ta gặp gỡ một vĩ nhân, đồng thời chúng ta gặp gỡ một đoạn lịch sử. Vì vậy, không những chúng ta đã thêm về mặt tư tưởng, mà còn thêm danh giá cho chúng ta. Gặp gỡ Hồ Chủ tịch là một kinh nghiệm nó làm cho chúng ta tốt thêm...”.

Thủ tướng nói ước ao Bác ở lại lâu hơn, nhưng khó mà mời những người có trách nhiệm nặng nề lưu lại lâu ngày ở nước ngoài. Thủ tướng mong Bác đến thăm Ấn Độ lần nữa. “Hồ Chủ tịch tỏ ý muốn lần khác “vi hành” đến thăm Ấn Độ. Nhưng một đoạn lịch sử muốn “vi hành” thì không phải dễ... Thật là một sự sung sướng mà có một người vĩ đại và đáng yêu đến với chúng ta và, mặc dù những mâu thuẫn trên thế giới hiện nay, người ta vẫn cảm thấy nhân đạo, hữu nghị và tình thương yêu nó sẽ xóa được mọi mâu thuẫn”. Thủ tướng kết luận gọi Bác là một người vĩ đại, một bạn vĩ đại và một đồng chí vĩ đại.

(còn nữa)

---------
- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.