.

Thư của L.T.

Sau khi cảm ơn ông Giám đốc, Bác nói với anh em sinh viên như sau: “Các bạn học ở một trung tâm văn hóa có truyền thống vẻ vang yêu nước và anh dũng chống thực dân. Trường này đã đào tạo ra vị anh hùng dân tộc Ung San và các nhà lãnh đạo khác của Miến Điện. Tương lai của các bạn rất vẻ vang.

Miến Điện là một nước giàu có, nhân dân thì khéo léo và cần cù có đủ điều kiện trở nên một nước giàu mạnh... Các bậc tiền bối của các bạn đã đấu tranh anh dũng để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Nay Chính phủ và nhân dân Miến Điện đang ra sức xây dựng nước nhà. Các bạn phải là những cán bộ tốt đem hết đức và tài của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...”.

8 giờ sáng 17-2-1958, Bác và Thủ tướng U Nu ký bản tuyên bố chung.

11 giờ, Bác và Đoàn đi xem Quốc hội. Quốc hội Miến Điện có hai viện. Viện nhân dân có 250 đại biểu. Viện dân tộc có 125 đại biểu. Quốc hội bầu cử Chủ tịch nước và Thủ tướng. Để tổ chức Chính phủ, hiện có 22 bộ, Thủ tướng chọn những đại biểu trong hai viện và mỗi bang một vị làm bộ trưởng; vị này đồng thời kiêm chức Thủ hiến của bang mình. Mỗi bang lại có chính phủ tự trị.

Sáng nay, ông bà Thủ tướng U Nu biếu Bác một bộ áo Miến. Bác mặc áo này khi đi xem Quốc hội và khi ra sân bay. Thấy Bác trong bộ áo Miến, quần chúng reo lên rất vui vẻ...

Bây giờ anh tóm tắt giới thiệu kinh đô nước bạn cho em biết:

Đời xưa, Răng-gun (Rangoon-Thủ đô cũ của Myanmar, B.T.) tên là Đa-gon. Đến thế kỷ XVIII, vua Miến đổi tên là Yangon nghĩa là thành phố hòa bình. Đầu thế kỷ XIX, do ảnh hưởng tiếng Anh, Yangon lại biến thành Răng-gun. Năm 1885 Răng-gun bị thực dân Anh chiếm giữ. Ngày 4-1-1948 Răng-gun trở thành Thủ đô Liên bang Miến Điện tự do.

Từ Ấn Độ, thực dân Anh âm mưu chinh phục Miến Điện từ năm 1824, do đó có cuộc chiến tranh Anh-Miến lần thứ nhất. Nhân dân Miến đã đấu tranh anh dũng và bền bỉ suốt 18 năm, đến 1852 Anh mới chiếm được Miến Điện, 1937 thực dân Anh ghép Miến Điện vào thuộc địa Ấn Độ. Sau Thế giới chiến tranh lần thứ hai, nhân dân Miến nổi lên chống ách thống trị của đế quốc Anh. Năm 1948 Miến Điện được độc lập.

Thủ đô Răng-gun có mấy đặc điểm: Số người tăng rất nhanh. Trong 100 năm (1856-1955) từ 46.000 tăng đến 737.000 người. Hơn 90% nhân dân theo đạo Phật, cả nước đều như vậy, làng nào cũng có chùa. Con trai từ bảy tuổi trở lên có nghĩa vụ đi tu, ít là vài tuần lễ, nhiều là mấy năm.

Chữ Miến Điện lấy một vòng tròn làm gốc, thay đổi vòng tròn ra nhiều hình thức thì thành những chữ cái rồi ráp lại thành vần như chữ quốc ngữ ta.

Nói chung, người Miến hiền lành và vui tính. Đối với bạn và khách rất giàu nhiệt tình. Thích múa hát, nhưng làm ăn khéo léo và cần cù.

Đất đai Miến Điện rất phì nhiêu. Trước chiến tranh, mỗi năm bán ra nước ngoài ba triệu tấn gạo, 23 vạn tấn gỗ trắc, 16 vạn tấn quặng, 30 vạn tấn dầu lửa. Ngoài ra còn có ngọc, vàng.

Răng-gun phong cảnh đẹp, nhà cửa xinh, đường sá thẳng. Có hơn bốn vạn chiếc xe đạp và 13.000 chiếc xe hơi. Trong số 17.000 nhà công thương to và nhỏ, 71% là buôn bán, 11% là thủ công nghiệp và công nghiệp. Có một xưởng dệt với 600 công nhân, 16 nhà máy cưa, 36 nhà máy xay gạo và ba nhà máy làm bột.

Thủ đô có 12 tờ báo bằng chữ Miến, sáu tờ bằng chữ Anh, sáu tờ bằng chữ Ấn, năm tờ bằng chữ Trung Hoa.

12 giờ trưa, Bác và Đoàn lên máy bay trở về nước. Lễ hoan tống cũng long trọng và thân mật như lễ hoan nghênh. Khách và chủ đều quyến luyến không muốn rời tay. Một đoàn máy bay quân sự hộ tống đến 100 cây số.

Chào Chính phủ và nhân dân Miến Điện!

Tình nghĩa anh em giữa hai dân tộc Việt-Miến muôn năm!

Cuộc đi thăm hữu nghị của Bác và Đoàn đến hai nước bạn thế là kết thúc. Cả đi và về là 10.540 cây số trong 14 ngày. Em có xem truyện “Tây du ký”, chắc em nhớ rằng đời nhà Đường (Trung Quốc) ông sư Huyền Trang sang Ấn Độ lấy kinh Phật cả đi và về mất 17 năm (từ năm 627 đến năm 644), dọc đường lại gặp nhiều yêu quỷ và lắm bước gian nan. Nhờ có “Tề thiên đại thánh” mới thoát khỏi mọi nguy hiểm. Ngày nay, đi từ Việt Nam hoặc Trung Quốc đến Ấn Độ chỉ mất một ngày. Khoa học đã chinh phục không gian và thời gian. Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học, chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận...

Cuộc đi thăm của Bác và Đoàn đã kết thúc rất tốt đẹp. Nó đã thắt chặt thêm tình nghĩa anh em Việt -Ấn-Miến. Nhân dân các nước bạn càng ra sức ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của nhân dân ta. Nó phát triển và củng cố thêm tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Á-Phi. Nó góp phần tăng cường lực lượng giữ gìn hòa bình thế giới.

Tình anh em thắm thiết của nhân dân các nước bạn đối với nhân dân ta đã biểu lộ rõ rệt trong những lời thân ái của các lãnh tụ Ấn, Miến đối với Bác. Ví dụ Thủ tướng Nê-ru đã nói trước quần chúng Ấn Độ: “Chúng ta đã có dịp hoan nghênh với lòng kính trọng và yêu quý nhiều vị thượng khách từ các nước đến. Nhưng vị thượng khách mà chúng tôi hoan nghênh hôm nay thật là đặc biệt. Đặc biệt không phải vì chính trị hoặc vì lẽ gì khác, nhưng vì không vị thượng khách nào giản dị như vị thượng khách này và hễ gặp mặt là người ta phải yêu mến... Ba năm rưỡi trước đây, tôi đã gặp vị thượng khách này ở Hà Nội. Và tôi cảm thấy ngay là tôi bị tấn công, tấn công bằng tình thương yêu, thật là khó mà chống lại một cuộc tấn công như thế...”.

Khi ở nước bạn, Bác đã nhận được hơn 150 bức thư của các đoàn thể và cá nhân từ các nơi gửi đến. Một cụ bác sĩ 90 tuổi viết: Nếu ta cần đến nghề thuốc của cụ, cụ sẽ xung phong sang phục vụ nhân dân Việt Nam. Một thanh niên què tay, cố gắng hết sức viết thư chào mừng Bác và chúc nước ta mau thống nhất. Hội nhi đồng xứ U-gien gửi một bản quyết nghị cảm ơn Bác đã cho các em Ấn được gọi Bác là Sa-sa Hồ và xin liên lạc với nhi đồng Việt Nam. Hội các em gái mù mắt, khẩn khoản “mời Bác đến thăm các cháu, dù là chỉ vài phút đồng hồ”. Hội “đấu tranh giải phóng xứ Goa”, Chi hội hòa bình thế giới của Ấn Độ, nhiều đoàn thể và nhân sĩ khác cũng gửi thư tỏ cảm tình và chúc nhân dân ta thắng lợi trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Khi đi, Bác và Đoàn mang tình anh em của nhân dân ta đến cho nhân dân các nước bạn. Lúc về, Bác và Đoàn đưa tình anh em của nhân dân các nước bạn chuyển lại cho đồng bào ta. Bác và Đoàn về đúng ngày 29 Tết để cùng với đồng bào ta mừng Xuân - một mùa Xuân hữu nghị quốc tế, một mùa Xuân thắng lợi ngoại giao...

Ngày mai, anh sẽ về chúc ba má và các em năm mới!

Anh L.T. của em 

---------

- Báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474 ngày 25-3-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.293-356.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.