Đêm hôm 25-4, một chiếc máy bay bí mật bay qua xứ Ukraina. Bộ Nội vụ Liên Xô liền nhận được báo cáo.

Hôm sau, công an và nhân dân Ukraina bắt được 4 tên đặc vụ Mỹ nhảy dù xuống.

Bốn tên này mang theo súng đạn, thuốc độc, máy vô tuyến điện, đèn, để làm dấu hiệu cho máy bay, truyền đơn “chống cộng”, giấy thông hành giả, và tiền bạc Liên Xô...

Chúng khai rằng chúng là người Nga, đại địa chủ cũ, trong Thế giới đại chiến thứ hai chúng đã theo phát xít Đức và đã tàn sát nhiều du kích, cán bộ và nhân dân Liên Xô. Phát xít Đức thất bại, chúng đi theo Mỹ, vào lớp huấn luyện đặc vụ ở Tây Đức. Trong bọn giáo viên đặc vụ, có 2 người Mỹ là nhân viên cao cấp ở sứ quán Mỹ tại Mạc Tư Khoa từ năm 1946 đến năm 1951.

Chúng khai thêm rằng: Sở Đặc vụ Mỹ bảo chúng phải xoay cho kỳ được giấy thông hành thật của Liên Xô, dù cần giết người mới xoay được, cũng phải làm. Nhiệm vụ của chúng là: phá hoại, khủng bố, và dò tin tức về quân sự và kinh tế.

Tòa án quân sự Liên Xô đã lên án và xử tử chúng.

Ai cũng biết rằng: Năm ngoái Mỹ công khai trích 100 triệu đôla riêng cho việc huấn luyện và phái đặc vụ lén vào Liên Xô và các nước dân chủ mới.

Đặc vụ là một chính sách quan trọng của Pháp, Mỹ, Anh và các đế quốc khác - cũng như quân sự, kinh tế, ngoại giao, v.v..

Việc 4 tên đặc vụ của Mỹ, đã cho chúng ta một bài học rất quý báu:

- Bọn đế quốc dùng mọi thủ đoạn đê hèn, mọi phần tử phản động, để phá hoại các nước yêu chuộng hòa bình và dân chủ.

- Bọn địa chủ phản động là tay sai đắc lực của đế quốc.

- Công an Liên Xô dựa vào lực lượng nhân dân; nhân dân Liên Xô ra sức giúp đỡ công an; cho nên bọn phản động, bọn đặc vụ không tài nào thoát khỏi lưới pháp luật.

- Bộ đội, cán bộ và nhân dân ta phải luôn luôn tỉnh táo và đề phòng bọn đặc vụ gián điệp của Pháp - Mỹ, và tay sai của chúng là bọn Việt gian phản động, cường hào gian ác và địa chủ ngoan cố.

Tất cả chúng ta đều tỉnh táo đề phòng, thì chúng sẽ bị tiêu diệt.

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 121, từ ngày 1 đến ngày 5-7-1953, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.158-159.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.