Khi đã hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình, thì đồng bào nông dân rất dũng cảm và khảng khái.

Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều nơi và nhiều lúc đồng bào nông dân đã ăn bắp ăn khoai trừ cơm, để dành gạo giúp cho bộ đội ăn no đánh mạnh.

Hàng chục vạn đồng bào nông dân đã xung phong đi dân công, hoặc sửa chữa đường cầu trong đêm sương gió lạnh, hoặc phục vụ mặt trận, dưới mưa đạn gió bom.

Ngày nay, trong cuộc đấu tranh để thực hiện chính sách "người cày có ruộng", đối với giai cấp bóc lột, thì đồng bào nông dân anh dũng tiến công, đánh gục bọn cường hào gian ác đầu sỏ. Đối với giai cấp mình, thì đồng bào nông dân đã tỏ rõ tinh thần sẻ cơm nhường áo, "nông dân bốn bể, cũng như một nhà". Vài thí dụ:

Bắc Thái Bình, thắng lợi trong cuộc giảm tô vừa rồi, nông dân đã thu được 1.121 tấn thóc. Có 12 xã thu được nhiều hơn, đã tự động trích ra 88 tấn giúp cho 16 xã thu được ít.

Quảng Bình, nông dân xã Phong Thủy thu được 100 tấn thóc, không những đã tự động trích ra 40 tấn giúp cho 3 xã ở huyện khác, mà còn chèo thuyền chở thóc đến tận nơi cho 3 xã ấy.

Nông dân xã Vĩnh Thủy thì trích ra 20 tấn để giúp 2 xã miền núi là xã Phan Đình Phùng và xã Hàm Nghi. Nhiều nơi nông dân giúp đỡ lẫn nhau như vậy.

Hoan hô tinh thần đoàn kết thân ái của đồng bào nông dân!

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 561, ngày 15-9-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.134-135.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.