Từ ngày cải cách ruộng đất, nông dân hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất, lương thực dư dật nhiều. Năm ngoái, miền Trường Giang lụt, song nhờ các nơi thu hoạch tăng nhiều, nơi thừa bù cho chỗ thiếu, cho nên cả nước đủ ăn.
Được tin nhân dân ta đang ra sức khôi phục lại kinh tế, nhưng sau 8, 9 năm kháng chiến không khỏi gặp khó khăn; anh em Trung Quốc liền tự động tiết kiệm, quyên góp tặng Hồ Chủ tịch một vạn tấn gạo và 5 triệu thước vải để giúp nhân dân ta.
Hôm 26-12-1954, chiếc tàu đầu tiên đã chở 3.300 tấn gạo và 3 triệu thước vải đến Việt Nam.
Tinh thần tương thân tương trợ, tinh thần quốc tế cao cả của nhân dân Trung Quốc, toàn thể nhân dân Việt Nam ta ai cũng ghi lòng tạc dạ, không bao giờ quên.
Sự giúp đỡ ấy đồng thời tỏ rõ lòng kính mến của anh em Trung Quốc đối với lãnh tụ ta và tình đồng cam cộng khổ với nhân dân ta. Để xứng đáng với tình nghĩa của nhân dân Trung Quốc, chúng ta phải:
- Mỗi cân gạo, mỗi thước vải phải đến tận tay những đồng bào cần được giúp. Tuyệt đối chớ tham ô, chớ lãng phí một hạt gạo, một tấc vải nào.
- Những đồng bào đang thiếu thốn thì nên dùng sự giúp đỡ ấy để ra sức tăng gia. Đến mùa gặt hái xong, thì nên tự động khéo dùng sự giúp đỡ ấy và tổ chức việc phòng đói.
- Những đồng bào khác thì nên noi gương “sẻ cơm nhường áo” của anh em Trung Quốc mà sẵn sàng giúp đỡ những người thiếu thốn, để ai cũng có thể tiếp tục tăng gia.
- Cán bộ thì phải lãnh đạo và đôn đốc việc tăng gia sản xuất một cách thiết thực, để đảm bảo cho nhân dân đủ mặc, đủ ăn.
Đó là cách thiết thực nhất để tỏ lòng biết ơn nhân dân Trung Quốc và Tổng hội cứu tế của Trung Quốc.
C.B.
------
- Báo Nhân Dân, số 313, ngày 8-1-1955, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.239-240.