Gaganôva là một chị thợ dệt nổi tiếng ở Liên Xô. Nổi tiếng không phải là một công nhân lành nghề, có năng suất rất cao, mà chính là vì chị đã làm một việc vô cùng cao quý: Chị đã tự động hy sinh mức lương cao của mình, đến làm việc với một tổ sản xuất kém để giúp nó trở thành tổ giỏi. Sáng kiến của Gaganôva có một tiếng vang rộng rãi trong toàn Liên Xô. Và tên chị trở thành tên gọi của một phong trào yêu nước thu hút hơn 30 vạn công nhân xuất sắc đã làm theo gương chị.

Ở nước ta, cũng có những công nhân đã vì lợi ích chung mà ra công dìu dắt những đơn vị sản xuất kém như thế: Nguyễn Thị Con ở Nhà máy dệt Nam Định, một năm mấy lần chuyển từ buồng máy này sang buồng máy khác, bền bỉ giúp mọi người cùng nâng cao năng suất lao động. Hà Kim Minh ở Nhà máy diêm Thống Nhất, dũng cảm nhận nhiệm vụ mới và chịu khó đi sâu vào công việc hàng ngày, trong một thời gian ngắn đã đưa tổ mình từ chậm nhất tiến lên nhanh nhất. Những việc như trên có ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nếu trong các nhà máy, công trường, nông trường, các đơn vị vận tải, các cơ sở thương nghiệp của chúng ta, chỉ có một số ít người đạt năng suất thật cao còn số đông thì "giẫm chân một chỗ" hoặc tiến rất chậm, thì bước tiến chung của nền kinh tế quốc dân sẽ ra sao? Rõ ràng là tình hình sẽ không tốt lắm! Vì nếu năng suất chung không tăng, thì xí nghiệp không thể kinh doanh có lãi, Nhà nước không thể có thêm nhiều vốn để mở rộng sản xuất, và do đó, đời sống của nhân dân lao động cũng không thể lên cao được.

Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể dựa trên năng suất đột xuất của một số ít người mà phải dựa trên sự nâng cao năng suất chung - nghĩa là năng suất lao động tính đổ đồng trong từng xí nghiệp, trong từng ngành, và trong cả guồng máy kinh tế của chúng ta. Cho nên, người lao động xã hội chủ nghĩa không nên tự mãn về thành tích riêng của mình mà phải luôn luôn lo nghĩ đến sự tiến bộ chung. Người khá phải hết lòng giúp người kém. Đơn vị khá phải hết lòng giúp đơn vị kém. Vừa nâng cao năng suất của mình, vừa giúp bạn nâng cao năng suất. Đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, không suy tính hơn thiệt cho riêng mình. Đó là đạo đức cao quý của giai cấp công nhân. Đó là con đường tiến nhanh tới cuộc đời no ấm, đầy đủ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa.

C.K.

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 2164, ngày 20-2-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.488-489.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.