Có thể nói rằng Đằng Hải (huyện Hải An thuộc Hải Phòng) là một trong những xã gương mẫu[1].

Năm 1963 trở về trước - Hễ đến ngày Tết thì Đằng Hải ít ra cũng giết hơn 200 con lợn. Cộng vào đó, hơn 250 lợn bị giết để cúng tế và cưới xin trong cả năm. Cũng trong cả năm, họ chỉ bán cho Nhà nước 2 tấn thịt lợn! Do lãng phí như thế mà nhiều gia đình lâm vào cảnh túng thiếu.

Đã không kiệm, thì ít cần. Lãng phí nhiều thì lao động và sản xuất kém. Hằng năm Nhà nước phải bán cho Đằng Hải 80 tấn thóc. Đoàn Thanh niên Lao động Đằng Hải thấy rõ tình trạng đó mà lo. Sau khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng và được đảng ủy đồng ý, họ phát động một phong trào tiết kiệm. Đoàn viên và thanh niên bèn lập những tổ chống lạm sát lợn. Họ xung phong gương mẫu. Trong dịp cưới hỏi của mình, họ kiên quyết tiết kiệm và không giết lợn. Họ vận động cha mẹ và bà con trong xã bớt cúng bái, ma chay. Họ quy định trong mấy ngày Tết mỗi người chỉ ăn nửa cân thịt lợn, mỗi gia đình chỉ dùng ba cân gạo nếp gói bánh chưng và chỉ làm thịt hai con gà. Họ còn vận động các xã viên cấy xong ruộng chiêm trước Tết. Họ phân công cho nhau, nhóm thì tổ chức chương trình văn công; nhóm thì phụ trách việc mua và bán cho các gia đình để xã viên khỏi mất công đi chợ ảnh hưởng đến lao động.

Từ đó trở đi - Mỗi đám cưới chỉ tốn mươi đồng bạc mà rất vui vẻ, linh đình. Trong năm 1964, đoàn viên và xã viên đã bán cho Nhà nước 45 tấn thịt lợn. Đằng Hải chẳng những không phải mua gạo, mà còn bán cho Nhà nước 3 tấn thóc theo giá khuyến khích. 200 người tiểu thương đã chuyển sang sản xuất. Trong hai ngày Tết năm ngoái, các xã viên đã gửi được 15.000 đồng vào quỹ tiết kiệm... Nhờ tiết kiệm mà Đằng Hải đã ăn một cái Tết tươi vui chưa từng có trong lịch sử xã.

Tết này - Họ định tiết kiệm và vui tươi hơn nữa. Ngoài việc tổ chức mừng Xuân một cách vui nhộn và lành mạnh, đoàn viên và thanh niên phụ trách vận động nhân dân gửi 20.000 đồng tiết kiệm (nhiều hơn Tết năm ngoái 5.000 đồng). Họ chỉ nghỉ việc hôm Nguyên đán; sang mồng 2 Tết, họ sẽ tổ chức ngày lao động mới để giành thắng lợi mới.

Mong rằng các nơi sẽ thi đua làm như xã Đằng Hải!

T.L.

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3948, ngày 21-1-1965, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.464-465.

[1]. Xem báo Tiền phong, ngày 17-1-1965 (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.