Thủy lợi là việc quan trọng nhất cho nông nghiệp.
Đội thủy lợi là quân chủ lực để làm tốt thủy lợi.
Tính đến tháng 3 năm nay, tại các tỉnh đồng bằng và trung du đã có hơn 11 nghìn đội thủy lợi gồm 24 vạn đội viên. Thường xuyên có độ 8 vạn người làm việc trên công trường. Đó là một lực lượng hùng hậu đang hăng hái tham gia phong trào hai năm làm thủy lợi. Nhờ tổ chức tốt và biết dùng công cụ cải tiến, cho nên năng suất của các đội đều tăng rõ rệt. Vài thí dụ:
- 80 đội thủy lợi của tỉnh Hưng Yên làm việc ở công trường Từ Hồ và Sài Thị đều đạt năng suất bình quân 300%. Đội của hợp tác xã Hòa Mục tăng năng suất gấp năm lần mức quy định.
- Tại công trường kênh Bến Tre (Vĩnh Phúc), trong lúc dân công chỉ đạt năng suất 70% mức định thì 74 đội thủy lợi đã đạt năng suất bình quân 117%. Có những đội như đội Kim Long tăng năng suất gần gấp hai lần.
Chất lượng công trình do đội làm cũng tốt hơn. Như ở Vĩnh Phúc và Hà Tĩnh có những đội xây đá, đổ bêtông không kém công nhân chuyên nghiệp. Sau giờ làm việc, nhiều đội đã tổ chức tốt việc học tập văn hóa và kỹ thuật cho đội viên; các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao cũng được phát triển.
Nhờ có đội chuyên làm nghĩa vụ dân công, ở hợp tác xã đã bớt được rất nhiều thời giờ bàn bạc về dân công, số lao động ở nhà được ổn định và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất.
Khi đã làm xong nghĩa vụ ở công trường, nhiều đội trở về tham gia đắc lực công việc sản xuất và làm thủy lợi của hợp tác xã. Thí dụ: Cuối năm ngoái, đội thủy lợi của hợp tác xã Tiền Vỹ (Hải Dương) đã làm cho hợp tác xã hơn 4.000 công để đắp một cây số đê bồi mới; đào 850 thước sông, biến 15 mẫu ruộng một vụ thành ruộng trồng cấy ba vụ; chỉ riêng một vụ màu, hợp tác xã đã thu được hơn 1.000 đồng; ngoài ra đội còn đắp 4.500 thước đường làng cho xe bò đi lại dễ dàng.
Những lợi ích của đội thủy lợi đang nảy nở ngày càng nhiều. Các tỉnh khá như: Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ đang dẫn đầu phong trào xây dựng tốt đội thủy lợi. Nhưng còn nhiều tỉnh làm chưa tốt, như Hà Đông, Nam Định, Thái Bình trước đây có lúc khá nhưng nay lại kém. Hà Bắc đang cố gắng vươn lên nhưng cũng còn chậm. Quảng Ninh là tỉnh kém nhất, mới có hơn 100 đội thủy lợi.
Trên các công trường lớn như trạm bơm Bạch Hạc ở Vĩnh Phúc, đập Neo ở Hải Dương, v.v., đều có hàng trăm đội thủy lợi làm việc sôi nổi. Nhưng có nơi như trạm bơm Trịnh Xá ở Hà Bắc, trạm bơm Thường Tín ở Hà Đông, v.v., vẫn còn cách huy động dân công theo lối cắt phiên gọi lượt, gây lãng phí sức dân, tốn lương thực, không bảo đảm chất lượng công trình, không bảo đảm kế hoạch nhà nước.
Lợi ích của việc tổ chức các đội thủy lợi thật đã rõ ràng. Vì sao có những nơi làm chưa được tốt? Những cán bộ có trách nhiệm lãnh đạo các địa phương đó phải trả lời câu hỏi này.
Có những xã gặp khó khăn trong việc tổ chức đội thủy lợi là vì cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên không gương mẫu thực hiện chính sách dân công. Thí dụ: chi bộ xã Lạc Vệ (Hà Bắc) trong 60 đảng viên thì có 26 đồng chí vin vào bận chức vụ để lẩn trốn nghĩa vụ dân công. Vì vậy, đến nay xã này vẫn chưa tổ chức được đội thủy lợi. Đối với những chi bộ như vậy, thì cấp ủy cần phải kịp thời giáo dục.
Đội chuyên làm thủy lợi có tác dụng quyết định đối với phong trào hai năm làm thủy lợi. Nó là đội quân chủ lực để thực hiện kế hoạch xây dựng thủy lợi vô cùng to lớn của chúng ta, các cấp ủy đảng và các hợp tác xã cần phải vượt mọi khó khăn và thành lập cho tốt và cho kịp thời; muốn vậy, lãnh đạo phải đi sát quần chúng, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải xung phong gương mẫu.
Đảng, đoàn đi trước, thì quần chúng nhất định tiến bước cùng đi!
Một điều rất quan trọng nữa: Khi đã có đội thủy lợi, thì cần phải huấn luyện cho các đội cách sắp xếp công việc và dùng công cụ cải tiến, để đưa năng suất lao động ngày càng thêm cao.
T.L.
------------------------
- Báo Nhân Dân, số 3642, ngày 19-3-1964, tr.1.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.265-267.