Chính phủ định ra luật lệ cải cách ruộng đất, Đảng phái cán bộ về xã giúp đồng bào nông dân đấu tranh thực hiện người cày có ruộng. Đó là bước đầu.
Đã có ruộng, nông dân cần phải ra sức tăng gia sản xuất, để đảm bảo đời sống ấm no.
Muốn sản xuất được tăng gia, thì cần có những tổ đổi công để giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc. Ý nghĩa tổ đổi công là “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây tụ hợp thành hòn núi cao”.
Muốn tổ đổi công có kết quả thật tốt, thì phải khéo tổ chức, theo nguyên tắc tự giác tự nguyện. Phải khéo lãnh đạo, làm cho các tổ viên ai cũng hăng hái làm việc, ai cũng được hưởng lợi công bằng. Thí dụ:
Tổ đổi công của chị Vậy (xã Tây Sơn, Yên Bái) có kế hoạch định công, phân công, ghi công. Có chương trình làm việc rõ ràng, cứ 3 ngày kiểm điểm lại 1 lần. Nhờ vậy, tổ đã cày ải, bừa kỹ, bắt hết sâu, làm sạch cỏ, bón nhiều phân, đắp thêm phai chống hạn...
Kết quả về vật chất - Sản xuất tăng nhiều. Trước kia nhà nào cũng thiếu ăn 2, 3 tháng; nay nhà nào cũng đủ ăn và còn thừa ít nhiều để giúp bà con khác.
Đối với thuế nông nghiệp, cả tổ đã khai đúng, nộp nhanh, nộp tốt.
Về tinh thần - Bà con trong tổ đều đoàn kết, vui vẻ, thi đua làm, thi đua học. Các tổ viên có kế hoạch giúp đỡ những gia đình neo người, gia đình bộ đội.
Thành tích ấy làm cho những người trước kia nghi ngờ tổ đổi công, nay cũng xin vào tổ.
Tỉnh nào cũng có những tổ kiểu mẫu như vậy: tổ của anh Sinh ở Thái Nguyên, tổ của chị Lượng ở Sơn Tây, tổ của chị Ruyện ở Cao Bằng, v.v.
Các liên khu và các tỉnh nên có những cuộc hội nghị cán bộ các tổ đổi công (trước khi họp phải chuẩn bị đầy đủ), để trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Làm được như vậy, thì phong trào tăng gia sản xuất chắc sẽ phát triển thiết thực, mạnh mẽ và rộng khắp hơn nữa.
C.B.
------
- Báo Nhân Dân, số 407, ngày 13-4-1955, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.404.