Ngày 30-6, tức là một hôm sau khi giặc Mỹ ném bom ngoại ô Hà Nội và Hải Phòng, tổng Giôn diễn thuyết ở thành phố Ômaha (Mỹ). Y nói ba hoa thiên địa, nào là nhân nghĩa đạo đức, nào là dân chủ hoà bình kiểu Hoa Kỳ. Nhưng có ba điểm đặc biệt đáng chú ý vì cực kỳ láo toét:

- Y nói: Chiến tranh ở miền Nam Việt Nam là do Chính phủ miền Bắc Việt Nam gây ra!

- Y nói: Mục đích của Mỹ ở Việt Nam là hoà bình chứ không phải chiến tranh!

- Y nói: Ở miền Nam, quân đội Thiệu-Kỳ và quân đội Vét - mỡ - lợn (Oétmolen) ngày nào cũng giành được thắng lợi mới!

Cái mà Tổng Giôn gọi là “thắng lợi” thực tế như sau: Chỉ tính sáu tháng đầu năm nay 162.000 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong số đó 47.000 tên là giặc Mỹ và chư hầu bị tiêu diệt.

*

*    *

Ngày 24-7, Tổng Giôn tuyên bố rằng: “Máy bay Mỹ chỉ ném bom những mục tiêu quân sự ở Việt Nam, chứ không hề bắn phá nhà thương”.

Nói láo như vậy, là vì y sợ nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới sẽ không tha thứ cái tội ác tày trời của y là đã ra lệnh ném bom, bắn phá các nhà thương ở Việt Nam.

Chỉ kể từ tháng 2-1965 đến tháng 7-1966 và chỉ trong 13 tỉnh ở miền Bắc, giặc Mỹ đã ném bom, bắn phá 75 nhà thương lớn nhỏ. Có một số nhà thương bị bắn phá nhiều lần, như:

Nhà thương Hương Khê bị 8 lần.

Nhà thương Đồng Hới bị 11 lần.

Nhà thương Hà Tĩnh bị 17 lần, v.v..

Tàn ác nhất, man rợ nhất là việc chúng tiếp tục bắn phá hàng chục lần Nhà thương Quỳnh Lập, ở Nghệ An.

Quỳnh Lập là nhà thương chữa bệnh phong. Nhà thương quy mô to lớn, có 160 ngôi nhà, xây dựng trên bãi biển, cách xa xóm làng, trên mái nhà có chữ thập đỏ to tướng, trong một lúc có thể nhận 2.600 người bệnh. Nhà thương tổ chức rất tốt. Thuốc men và dụng cụ rất đầy đủ. Năm năm qua, hơn 1.000 người bệnh đã được chữa khỏi và đã trở về với gia đình.

Đêm 12-6-1965, các người bệnh đang ngủ, thì bất thình lình nhiều tốp máy bay giặc Mỹ ập đến ném bom, làm 139 người chết và 100 người bị thương nặng, nhiều ngôi nhà đổ nát tan tành.

Dã man hơn nữa là liên tiếp mười hôm sau (từ 13 đến 22-6-1965), máy bay giặc Mỹ lại đến bắn phá 12 lần nữa.

Nhà thương phải dời đến xã Quỳnh Lập. Vừa tạm xây dựng nơi ăn, chỗ ở cho những người bệnh, thì máy bay giặc Mỹ lại mò đến ném bom. Từ ngày 22-6-1965 đến 24-6-1966, chúng bắn phá 26 lần. Thêm hàng chục người chết và bị thương.

Chứng cớ sờ sờ ra đó, thủ phạm Giônxơn có chối được không nào?

*

*      *

Các báo Mỹ đăng tin: Ngày 14-7, ở thành phố Sicagô, một thanh niên lén vào phòng ngủ của các cô y tá. Trong chốc lát, nó hãm hiếp rồi giết chết 8 cô.

Ngày 1-8, một sinh viên 24 tuổi, thủy binh lục chiến cũ; quê ở Tếchdát, tức là người đồng hương của Tổng Giôn. Sau khi bắn chết mẹ nó và vợ nó, sinh viên này mang súng trèo lên tầng lầu thứ 26 và tiếp tục bắn chết 14 người, bắn bị thương 30 người nữa.

Dư luận Mỹ cho hai tên giết người đó đã phạm tội ác vô cùng ghê tởm. Đúng như vậy. Nhưng so với chúng, thì tội ác của thủ phạm chiến tranh Giônxơn còn ghê tởm gấp vạn vạn lần.

LA LẬP

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 4508, ngày 10-8-1966, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.144-146.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.