Trong cuộc tuyển cử ngày 8-11 ở Mỹ, đảng của tổng Giôn mất 45 ghế hạ nghị sĩ, 6 ghế tổng đốc bang, và 3 ghế thượng nghị sĩ. Thất bại đó làm cho Giôn ốm, phải đi mổ.

Vừa ra khỏi nhà thương, vợ Giôn trao cho Giôn một bức điện. Đọc xong điện, Giôn té ù ra ngất đi. Bức điện viết:

"Thậm cấp! Thậm cấp! Chí nguy! Chí nguy!

Tháng 11 ni, quân Mỹ đại bại!"

Chú thích: từ 27 tháng 10 đến 26 tháng 11, quân Mỹ và chư hầu:

- đã mất 1.400 binh sĩ chết và bị thương, trong đó 5.700 tên Mỹ;

- bị tiêu diệt và tiêu hao 6 tiểu đoàn, 4 tiểu đoàn là Mỹ;

- bị đánh tan 33 đại đội và 28 trung đội;

- mất 7 tàu chiến bị đánh chìm;

- 70 máy bay bị bắn rơi và bắn bị thương;

- 200 xe tăng và xe bọc sắt bị phá hủy, v.v..

Ký tên: Vétmỡlợn

Được thầy thuốc cấp cứu, vừa tỉnh dậy, Giôn dùng dây nói thét vào tai tướng Vét: "Hãy tăng cường, tăng tăng cường ném bom miền Bắc để trả thù cho tao!".

Vâng lệnh Giôn, ngày 2 tháng 12, Vét cấp tốc phái hơn 100 máy bay đủ các loại thần sấm, thần chớp, con yêu, con ma, hấp tấp kéo đi ném bom ngoại ô Hà Nội và nhiều nơi khác ở miền Bắc Việt Nam.

Ngay chiều hôm đó, Giôn tiếp được báo cáo:

"Vét xin báo cáo để tổng thống hay,

11 máy bay bị bắn tan xác!

Ký tên: Vét"

Một lần nữa, Giôn lại té ù ra ngất đi. Lần này lâu lắm Giôn mới tỉnh lại. Nhưng số "đoạn trường" của Giôn chưa chấm dứt. Một cô y tá đã vô ý trao cho y xem tờ Thời báo số ra ngày 28-11-1966.

Bà con ta còn nhớ rằng ngày 26-10, Giôn đã bị ép buộc lén lút đến Cam Ranh để thăm bọn lính Mỹ ở đó. Giôn đã hết lời tán tụng, nịnh hót bọn chúng. Y đã ba hoa rằng lính Mỹ yêng hùng nhất thế giới, gan góc nhất thế giới, vân vân nhất thế giới. Nhưng bài Thời báo đã nêu rõ sự thật là bọn lính Mỹ nhát gan như cáy, khác nào một cái tát vào mặt tổng Giôn. Bài báo đó viết về lính Mỹ vô cùng sợ hãi hầm chông của du kích miền Nam. Xin lược dịch như sau:

- Du kích miền Nam là những chuyên gia trong nghề dùng cạm bẫy và chông mìn. Hồi đầu năm nay, 20% số lính Mỹ chết và bị thương là vì chông, mìn. Con số ấy ngày càng tăng. Trong một khu vực nọ, hồi tháng Giêng, bình quân mỗi ngày 3 tên lính rơi vào hầm chông. Trong tháng 9 tăng đến 8 tên. Mỗi khi phải đi tuần tra, tên lính nào cũng lo rằng bước thêm một bước nữa có thể là bước cuối cùng của đời y.

Mùa xuân năm ngoái, quân đội Mỹ mất 1.400 quả bom bi. Gần đây, người ta mới phát hiện ra một loại bẫy nguy hiểm nhất của du kích, chính là bom bi của Mỹ. Du kích nối quả mìn bi với một sợi dây điện. Mìn bị một chất nổ bắn tung lên. Tên Mỹ nào ở cách chỗ mìn nổ độ mươi thước thì cụt cả hai chân.

Mới đây, ở gần Đà Nẵng, một tên cai lính thủy đánh bộ Mỹ rất thành thạo nhưng đi nhổ một biểu ngữ chống Mỹ cắm ở một ruộng lúa, kết quả là anh ta và tấm biểu ngữ đều tan xác.

Du kích chôn mìn ở ngay ruộng lúa; nhồi cả thuốc nổ vào gáo dừa rồi treo lên cành cây. Tên Mỹ nào vấp phải một sợi dây là có thể bị ngã vào bàn chông. Dẫm phải một sợi dây nhỏ xíu thôi, chính là đã động phải cái nỏ và bị tên đâm vào ngực. Dẫm phải một cái đinh cũng có thể làm nổ tung viên đạn chôn dưới chân nó. Cái áo của người nông dân treo trên tường có thể đã cài một quả lựu đạn. Tượng Phật trên bàn thờ cũng có thể nổ.

Hôm nọ, lính Mỹ đã bắt được một cậu bé 14 tuổi. Sau mới biết cậu này là một chuyên gia gỡ mìn giỏi hơn cả lính thủy đánh bộ Mỹ. Cậu ta đã chôn mìn và giật mìn suốt sáu năm liền.

Chúng ta có thể kết luận rằng em bé du kích miền Nam đó, chẳng những giỏi hơn bọn lính thủy đánh bộ Mỹ, mà còn khôn hơn cả tổng Giôn.

NÓI THẬT

--------------------

Báo Nhân Dân, số 4623, ngày 4-12-1966, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.