Thiên hạ đồn rằng:

Hôm đó, lúc đang ăn sáng, tổng Giôn nhận được một bức điện bí mật chỉ có hai chữ: X.R... nghĩa là xong rồi, nghĩa là R. Kennơđi bị giết rồi. Giôn xem xong thì vội vàng bỏ bức điện vào túi và xoa hai tay, tỏ vẻ vui mừng một cách hạn chế.

Chiều hôm đó, viên thư ký báo chí đưa trình Giôn một tập dầy cộp trích những lời bình luận về cái chết của R. Kennơđi. Càng xem thì cái vẻ hớn hở của Giôn dần dần biến mất, thành vẻ lo sợ sửng sốt vì các báo chí thế giới đều lên án Giônxơn. Vài ví dụ:

Báo chí Liên Xô viết: Dân chủ ở Mỹ là dân chủ “găngxtơ”. Chỉ trong hai tháng đã có hai vụ giết người vì chính trị... Trước đây bốn năm, Tổng thống Kennơđi đã bị giết, bây giờ em ông ta lại bị giết...

Báo Trung Quốc viết: Vụ giết R. Kennơđi chứng tỏ rằng cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của đế quốc Mỹ ngày càng trầm trọng.

Báo chí Cuba, Nhật Bản và nhiều báo châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh đều viết rằng vụ giết R. Kennơđi có dính dáng với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, vì R. Kennơđi chống chính sách của bè lũ Giônxơn đối với Việt Nam. Nhiều báo viết một cách khinh bỉ: Mỹ là một nước vỗ ngực tự xưng là “văn minh”, sự thật lại là rất man rợ, đầy rẫy những hành động giết người.

Giônxơn giật mình run rẩy khi đọc đến những tờ báo viết rằng: Oxvan (tên giết Tổng thống Kennơđi) và Xơhan (tên giết nghị sĩ R. Kennơđi), cả hai đứa đều do một tên chủ mưu xúi giục. Tên chủ mưu đó là...

Như muốn nhắc nhở khéo mọi người rằng: “Ám sát” nói chung và “ám sát” chính trị nói riêng là một việc bình thường ở nước Mỹ, vụ ám sát R. Kennơđi có gì đặc biệt đâu mà các người làm rùm beng như vậy. Ngày 10-6-1968, Giôn đã thú nhận rằng: Cứ năm Tổng thống Mỹ thì có một người bị giết chết (Giôn là Tổng thống thứ 36 của nước Mỹ).

Số dân thường Mỹ bị ám sát thì cũng “leo thang” như cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam:

Năm 1963 có 8.500 người Mỹ bị ám sát.

Năm 1964 có 9.360 người Mỹ bị ám sát.

Năm 1965 có 9.850 người Mỹ bị ám sát.

Năm 1966 có 10.920 người Mỹ bị ám sát.

Năm 1967 có 12.230 người Mỹ bị ám sát.

Ai còn dám chối rằng:

Mỹ là một nước văn minh,

Giết người như chuột, tội tình gì đâu.

CHIẾN SĨ

--------------------

- Báo Nhân Dân, số 5517, ngày 15-6-1968, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.464-465.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.