Đó là lời của Thời báo Anh (15-1-1963).

Vở kịch này rất phức tạp và dư luận thế giới rất xôn xao. Vai chính là Mỹ và Pháp. Vai phó là Anh, Tây Đức và một số nước khác. Sân khấu là “thị trường chung” và khối Bắc Đại Tây Dương.

Thị trường chung” (viết tắt: “T.T.C.”) gồm có 6 nước, do Pháp cầm đầu, với Tây Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ, Lục [1] là hội viên. Mục đích của Pháp là làm bá chủ kinh tế Tây Âu, gạt Mỹ và Anh ra ngoài.

Đã từ lâu, Mỹ thò mũi vào tất cả mọi xí nghiệp to ở Tây Âu. Nay muốn đối phó với “T.T.C.”, bèn xúi giục Anh xin vào khối đó, để làm “nội ứng” cho Mỹ.

Vài mươi năm trước, “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất đế quốc Anh”. Nhưng nay đã mất hết thuộc địa, nếu không được vào “T.T.C.” thì kinh tế Anh sẽ bị nghẹt thở.

Sau một năm rưỡi thảo luận, 5 nước trong khối đều tán thành, nhưng Đờ Gôn tay đập bàn, mồm quát: “Không cho Anh vào, nà!”.

Khối Bắc Đại Tây Dương (viết tắt: OTAN[2]) là một tổ chức quân sự gồm có 15 nước, do Mỹ cầm đầu, và hội viên là Anh, Pháp, Ý, Tây Đức, v.v.. Mục đích là chống lại các nước xã hội chủ nghĩa và gây chiến tranh thế giới.

Anh muốn có lực lượng tên lửa hạt nhân, nhưng không đủ sức chế tạo, bèn đặt mua tên lửa “Thiên lôi” của Mỹ. Anh đã mất nhiều năm đợi, tháng chờ và hao tổn nhiều tiền bạc, thì đột nhiên bị Mỹ xóa bỏ hợp đồng và buộc Anh phải mua tên lửa “Bắc cực”. Anh cũng phải cúi đầu nghe theo. Vì vậy, dư luận Anh chê trách chính phủ Anh đã “đầu hàng nhục nhã”. Nay lại bị Pháp xỉ vả, thật là tủi thân Anh!

Mỹ muốn giữ độc quyền tên lửa, cho nên sau khi đã ép được Anh, bèn gạ bán tên lửa cho Pháp và cho cả khối “OTAN”, nhằm ngăn cản Pháp tự do chế tạo vũ khí hạt nhân. Các nước khác trong “OTAN” đều đồng ý, nhưng Đờ Gôn bảo Mỹ: “Pháp không cần tên lửa Mỹ! Pháp tự làm lấy tên lửa mạnh hơn, tốt hơn cơ!”

Tổng Đờ chọi với Tổng Ken,

Mạt cưa, mướp đắng hai bên cũng vừa!

Dồn dập hai việc trên, tình hình trong phe đế quốc trở nên cực kỳ căng thẳng. Các báo phương Tây đã viết những câu bi quan như: “Đám ma của Tây Âu”, “khối OTAN tan vỡ”, “sự thống nhất kinh tế và chính trị phương Tây hỏng hết”!

Trong vở kịch này, Tây Đức là vai trò đại gian hùng, ăn cả hai phía. Tây Đức vừa ký với Pháp một hiệp định trong đó Pháp đồng ý giúp họ tăng thêm quân bị, chế tạo vũ khí hạt nhân, đặt thêm căn cứ quân sự trên đất Pháp, v.v. nhưng Tây Đức vẫn ủng hộ Mỹ và Anh.

Hiện nay, chính khách và báo chí phương Tây công kích Đờ Gôn kịch liệt. Báo Mỹ đã nói thẳng rằng: Mỹ đang chuẩn bị một chiến dịch nhằm đánh đổ thế lực Đờ Gôn. Ngoại trưởng Mỹ thì tuyên bố: “Mỹ cứ bán tên lửa cho các nước OTAN, Pháp không đồng ý mặc kệ Pháp. Tây Đức và các nước khác sẽ để Anh tham gia khối “T.T.C.”, dù vì vậy mà Pháp bỏ ra khỏi khối đó…”.

Những chiến dịch nhỏ đã bắt đầu: các nước trong khối “T.T.C.” và “OTAN” tẩy chay những cuộc hội nghị Pháp muốn triệu tập. Pháp đã cấm mua khoai tây của Mỹ. Mỹ thì cấm mua gà, vịt, thỏ,… của Pháp, v.v..

Tổng Ken quen thói ngạo nghễ, gặp phải tổng Đờ ngoan cường. Âm mưu Mỹ thống trị kinh tế và quân sự ở Tây Âu đã bị Pháp thọc ngang. Thế là “Tổng Ken bị tát”.

Trong cuộc tranh nhau quyền lợi, bọn đế quốc thể tất đi đến cắn nhau. Mâu thuẫn ấy có lợi cho phong trào cách mạng. Nhân dân thế giới cần đoàn kết chặt chẽ để lợi dụng tình hình đó mà đẩy phong trào cách mạng tiến lên nữa.

T.L.

-------------------------------

[1] Tức Luxembourg (BT).

[2] OTAN: viết tắt tiếng Pháp Organisation du Traité de I'Atlantique Nord (BT).

- Báo Nhân Dân, số 3241, ngày 9-2-1963, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.