Nam Triều Tiên và Nam Việt Nam cách nhau hàng nghìn cây số, thế mà Lý Thừa Vãn và Ngô Đình Diệm giống nhau dữ:

Hai gã đều do đế quốc Mỹ nuôi dưỡng.

Hai gã đều do đế quốc Mỹ nặn thành bù nhìn đẫm máu.

Hai gã đều hằm hừ chống cộng và hò hét "Bắc tiến".

Để chúng học hỏi lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm, Mỹ đã tổ chức cho hai gã những cuộc gặp gỡ.

Tháng 9-1957, Diệm đến thăm Vãn ở Hán Thành, Vãn suy tôn Diệm là "anh hùng của thời đại", đã tặng Diệm bằng bác sĩ khoa học và mề đay "khai quốc hạng nhất". Rồi hai gã cụng chén chúc nhau: "Thắng lợi cuối cùng".

Còn báo chí Mỹ thì ca tụng xỏ rằng dưới quyền thống trị của Vãn và Diệm "tuy việc khôi phục kinh tế khó khăn và chậm trễ, nhưng về chính trị thì tiến bộ rất nhanh".

Lúc chia tay, Diệm mời Vãn: "Tôi mong được vinh hạnh đón tiếp quý Tổng thống ở Nam Việt, để tỏ lòng vô cùng hâm mộ và yêu kính đối với Ngài".

Tháng 11-1958, Vãn đến thăm Diệm ở Sài Gòn. Trò hề trơ trẽn lại diễn ra: Diệm gọi Vãn là người "đại anh hùng, đại ái quốc đã đưa nhân dân Triều Tiên đến thắng lợi và tự do" rồi cũng tặng Vãn bằng bác sĩ khoa học và Kim khánh hạng nhất. Vãn thì không ngớt lời tâng bốc Diệm về "kết quả phi thường trong công cuộc xây dựng nước nhà và mở mang kinh tế".

Cũng trong lúc đó (11-1958), trả lời một nhà báo Mỹ tên là Scốt, Diệm nói: "phe phản đối làm rầy, thì tôi đưa họ vào nhà tù… Tự do bầu cử là một thứ xa xỉ phẩm tôi không thích".

Mười hai năm trước đây, đế quốc Mỹ đưa Vãn lên ngôi Tổng thống và Nam Triều Tiên trở nên một "thành trì dân chủ ở Viễn Đông" (lời của báo chí Mỹ). Từ đó, mỗi lần bầu cử là một cuộc khủng bố đẫm máu. Có lần (như tháng 5-1948) có đến 590 người bị giết, hàng nghìn người bị thương, hơn một vạn người bị bắt.

Trong cuộc tuyển cử tháng 5-1950, mặc dù gian lận và khủng bố, phe Vãn đã mất 70% số đại biểu. Làm thế nào để cứu vãn lão già Vãn bây giờ? Tình cờ khéo hẹn mà nên, trước ngày Quốc hội Nam Triều Tiên họp thì Mỹ cùng 16 nước phe Mỹ động viên 1.600.000 binh sĩ tấn công vào Bắc Triều Tiên. 1.125.000 tấn bom và 1.800 triệu quả lựu đạn Mỹ đã đốt cháy hơn 40% nhà cửa, giết chết hàng triệu người dân, phá hoại hầu hết các xí nghiệp và san phẳng hầu hết thành phố của nước Triều Tiên dân chủ nhân dân.

Trong 12 năm, Mỹ đã "viện trợ" cho Vãn hơn bốn nghìn triệu đôla để nuôi dưỡng và vũ trang một quân đội chuyên nghề áp bức nhân dân. Ngoài ra, còn 55.000 quân đội Mỹ chiếm đóng ở Nam Triều Tiên để giúp Vãn.

Tội ác của Vãn thật là "chẻ hết tre núi Nam cũng ghi không rồi, tát hết nước biển Bắc cũng rửa chưa sạch". Hứa Chính (một người thân Mỹ và hiện nay đang thay thế Vãn) đã phải nhận rằng: "Chính quyền Vãn đã phạm nhiều việc bất hợp pháp, bất hợp lệ, tham ô hủ hóa, mập mờ gian lận trong tất cả các lĩnh vực" (báo chí Mỹ, ngày 28-4-1960).

Thế mà Tổng thống Mỹ vẫn ca tụng Vãn "chẳng những là một vĩ nhân mà còn là một người đại ái quốc…".

Cuộc đấu tranh anh dũng của thanh niên học sinh và nhân dân Nam Triều Tiên đã làm cho chính quyền Vãn tan rã, đế quốc Mỹ lo sợ, và lũ bù nhìn khác hoang mang. Mỹ đang dùng mọi thủ đoạn chính trị và quân sự hòng đẩy lùi cuộc đấu tranh đó.

Đế quốc Mỹ là kẻ địch số một của nhân dân Triều Tiên cũng như của nhân dân Việt Nam và các dân tộc khác. Để các dân tộc được tự do giải quyết vấn đề nội bộ của mình, việc cần thiết nhất là phải đấu tranh để thực hiện khẩu hiệu "Đế quốc Mỹ cút đi!".

Trong lúc cùng toàn dân Việt Nam nhiệt liệt ủng hộ phong trào yêu nước của nhân dân Nam Triều Tiên, một thi sĩ Việt Nam đã có thơ rằng:

Lý chí khỉ, Ngô chí khỉ,

Một cặp bù nhìn Mỹ.

Lý đã nhào trước Ngô,

Ngô sẽ nhào sau Lý.

T.L.

---------------

Báo Nhân Dân, số 2236, ngày 3-5-1960, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.