Hôm nay, Taylo cút về nước mẹ. Y mang về vô số nợ máu và lời nguyền rủa của nhân dân Việt Nam.

Lo thay Lót - Đầu mùa Thu năm ngoái, giặc Mỹ bị sa lầy đến cổ ở miền Nam nước ta. Ngoài vụ giết chết Diệm và Nhu, tên “đại sứ” Cábột Lót[1] đã thất bại về mọi mặt. Đế quốc Mỹ buộc phải cho Lo sang thế Lót. Chúng đặt tất cả hy vọng vào Lo.

Báo chí tư sản Mỹ viết: “Là một đại tướng văn võ toàn tài, Taylo sẽ xoay chuyển được tình thế”. Tổng Giôn thì gọi Lo là một vị “cứu tinh”.

Bản thân Lo cũng hớn hở cho rằng y sẽ thắng lợi.

Y nhắm hai mục đích chính: Nặn ra một chính quyền bù nhìn khá ổn định và tổ chức một ngụy quân khá vững vàng.

Lo đã lỗ - Nhưng ảo mộng của Lo đã tan thành mây khói. Chỉ kể sáu tháng đầu năm nay thôi.

- Ngụy quyền đã kinh qua sáu cuộc đảo chính. Bình quân mỗi tháng đảo một lần! Kết cục tạm thời là tên cao bồi Cao Kỳ làm “thủ tướng”, nó tôn thờ con quỷ phát xít Hítle làm tổ sư.

- Ngụy quân thì ngày càng suy sụp. Chúng bị Quân giải phóng và du kích đánh tan 180 trung đội, 120 đại đội, 20 tiểu đoàn!

Bắn rơi 296 máy bay;

Phá hỏng 369 xe quân dụng;

San bằng 2.000 “ấp chiến lược”,...

Lực lượng vũ trang yêu nước của quân và dân miền Nam thì càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng.

Taylo cũng là kẻ chủ mưu “leo thang” ra miền Bắc. Chỉ ở miền Nam chúng đã thua liểng xiểng, mà chúng lại hòng thắng lợi bằng cách gây chiến với cả miền Bắc. Rõ là ngu ngơ! Trong mấy tháng Mỹ “leo thang”, quân và dân miền Bắc đã bắn tan xác 423 chiếc máy bay của chúng. (Mỹ chỉ thú nhận mất 72 chiếc thôi!).

Thế là Lo về chính trị không thành công, về quân sự đã đại bại.

Lót lại thay Lo - Cất chức Lo, tổng Giôn còn nói xỏ ý rằng: “Không có trang lịch sử nào của Taylo đáng tự hào hơn là trang sử ông ta đã viết trong năm qua!”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thì nói thẳng vào mặt Lo rằng: “Về nhiều mặt, tình hình này đã xấu hơn trước đây 15 tháng”.

Về tư cách của Lót, mấy nghị sĩ Mỹ đã đánh giá như sau:

Nghị sĩ Dabơlốcki nói: “Thay Lo bằng Lót là một tai họa”.

Nghị sĩ Mosơ nói: “Cất chức Lo là một tin lành. Lót thay Lo là một tin xấu”.

Lót là một chính khách cáo già đại phản động. Y thường múa mồm rằng: “chắc là Mỹ sẽ ở lại Việt Nam, và sẽ làm tất cả mọi điều cần thiết để thắng lợi”.

Chúng ta có thể đoán chắc rằng Lót cũng sẽ thất bại nhục nhã như Lo; và cuộc thay thế Lót - Lo, Lo - Lót chứng tỏ rằng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ nhất định sẽ thất bại.

Tổng Giôn luẩn quẩn - Tổng Giôn thì vừa rêu rao cái “đàm phán không điều kiện” để hòng lừa bịp thiên hạ, vừa ra lệnh đưa thêm hàng vạn lính Mỹ vào miền Nam và tăng cường ném bom ở miền Bắc. Việc đó chứng tỏ Mỹ yếu thế, chứ không phải mạnh.

Bàn việc đưa thêm lính Mỹ, tờ Thời báo Nữu ước (22-7-1965) viết: “Đưa nhiều lính Mỹ vào vùng rừng núi để đối phó với du kích Việt cộng, chắc chắn chỉ đem lại (cho Mỹ) thất bại nặng nề”.

Ông R. Rútxen, Chủ tịch Ủy ban quân lực của Quốc hội Mỹ, nói: “Theo quan điểm quân sự thì Mỹ đã phạm hầu hết sai lầm… và đang phải đương đầu với một quân du kích tài giỏi nhất trong lịch sử loài người”.

Báo Luận đàn Nữu Ước (22-7-1965) viết: “Dùng lục quân Mỹ để hòng xâm chiếm làng mạc Việt Nam, đó là phái binh sĩ Mỹ đi làm một công việc rồ dại”.

Chinh phu, tử sĩ mấy người… - Binh sĩ Mỹ sang Việt Nam vừa đi, vừa sợ chết.

Nghị sĩ Mosơ đã cảnh cáo rằng: Càng nhiều lính Mỹ đi sang Việt Nam, thì càng nhiều quan tài trở về nước Mỹ.

Đô đối Sapơ cũng nói: “Mỹ phải chờ đón số binh sĩ chết và bị thương ngày càng thêm nhiều”.

Báo Tin tức Hoa Thịnh Đốn (25-7-1965) viết: “Thế nào một số đơn vị Mỹ cũng bị tiêu diệt nặng… Chẳng biết nhân dân Mỹ sẽ đối với vấn đề này ra sao…”.

Nhân dân Mỹ đấu tranh - Ở Mỹ ngày càng phát triển phong trào chống chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Từ các giới trí thức, tôn giáo, học sinh, thanh niên, phụ nữ, phong trào đã lan rộng đến các giới công thương. Các cuộc biểu tình nổ ra khắp nước Mỹ. Hôm 11-7-1965, những người biểu tình ở thành phố Đitơroi đã hô vang: “Giônxơn! Hôm nay ngươi đã giết chết mấy người rồi?”.

Như để kết thúc đoạn này, báo Ngôi sao Hoa Thịnh Đốn (1-7-1965) viết: “Cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Việt Nam đang tiến đến chỗ thất bại hoàn toàn”.

Ta nhất định thắng - nhân dân ta rất yêu chuộng độc lập và hòa bình. Chính vì vậy mà chúng ta đoàn kết nhất trí, Nam Bắc một lòng không sợ gian khổ, hy sinh quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Chỉ có một cách giải quyết để đưa lại hòa bình là Chính phủ Mỹ thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam.

CHIẾN SĨ

------------------

Báo Nhân Dân, số 4135, ngày 30-7-1965, tr.4.


[1]. Cábột Lót: Hàm chỉ (Hery Cabot Lodge) - Đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam, thời kỳ Diệm - Thiệu (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.