Cuối tháng mười năm ngoái, tên "tổng thống" bán nước buôn dân cùng hung cực ác Ngô Đình Diệm đã bị vây cánh của nó giết chết. Vụ này do Mỹ xúi giục, nhưng Mỹ đã ném đá giấu tay.

Cách đó ít lâu, ngày 23-12-1963, tổng thống phản động Kennơđi bị bọn phản động nhất ở một thành phố Mỹ phản động nhất giết chết. Cũng như tổng Ai trước y và tổng Giôn thay y hiện nay, tổng Ken là thủ phạm số 1 đã gây ra cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc ở miền Nam nước ta. Tuy tội ác tày trời, nhưng tổng Ken đã nằm dưới đất. Đáng lẽ "chết là hết chuyện".

Nhưng vì muốn nịnh hót quan thầy Mỹ, tên bù nhìn Khánh lại bày chuyện dựng tượng đồng bệ đá cho tổng Ken ở một vườn hoa Sài Gòn. Việc đó làm cho đồng bào Sài Gòn hết sức căm giận và phản đối kịch liệt. Khánh đã phải cho chăng dây thép vây chung quanh pho tượng đó, khác nào dồn tổng Ken vào một cái "ấp chiến lược" tí hon!

Hôm 16-8, được Mỹ ủng hộ, Khánh đã tự phong cho mình chức "tổng thống". Ba hôm sau, hắn đã phải bí mật ra lệnh cho cảnh sát bí mật hạ tượng tổng Ken và đưa giấu ở một nơi bí mật. Khác nào tổng Ken lại bị giết một lần nữa.

Ngay sau lúc tự phong làm "tổng thống", sợ bị nhân dân nhiệt liệt "hoan hô", Khánh đã ra lệnh nghiêm cấm các cuộc tụ họp.

Phớt lờ lệnh cấm, 20.000 học sinh và nhân dân Huế đã tuần hành thị uy, chống chế độ độc tài của Khánh. Ngay ở giữa Sài Gòn, mấy trăm sinh viên cũng họp mít tinh đòi Nguyễn Khánh từ chức. Họ đã tố cáo Khánh không thực hiện lời hứa thi hành dân chủ, mà lại dựng lên một chế độ độc tài. Một số sinh viên đã công kích Mỹ ủng hộ Khánh. Ở trụ sở của sinh viên có treo những khẩu hiệu chống Khánh, như "Sinh viên Việt Nam kiên quyết chống chế độ độc tài!"…

Ngày 20-8, ở Sài Gòn, hơn 5.000 thanh niên và người theo đạo Phật biểu tình chống Khánh. Ở Tuy Hòa, hơn 1.000 người tay cầm cờ Phật đi biểu tình chật đường, làm cho xe chở lính của Khánh phải dừng lại, không đi càn quét được. Ở Cần Thơ và nhiều nơi khác cũng có những cuộc biểu tình.

Hãng thông tin Mỹ AP (19-8) viết: tình hình ở Sài Gòn rất căng thẳng. Khu nhà ở của Nguyễn Khánh bị rào rất ngặt, làm nghẽn cả giao thông ở vùng đó… Ngoài tình hình quân sự rất nghiêm trọng, chính phủ Sài Gòn đang rất lo về những phản ứng chính trị từ khi Nguyễn Khánh trở thành một kẻ độc tài… Người ta cũng tố cáo Mỹ can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, vì vậy không khí chống Mỹ ngày càng lên cao.

Dù sao tổng Diệm và tổng Ken đã yên thân nơi chín suối. Xét tình hình rắc rối nói trên, làn sóng chống Mỹ - Khánh đang lên cuồn cuộn, rất có thể "ngài thống" Khánh cũng phải:

Xem hai người mà ngẫm đến ta,

Rồi đây cũng bị làm ma suối vàng!

L.T.

-------------------

Báo Nhân Dân, số 3798, ngày 23-8-1964, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.