Nhân dân Philíppin là bạn ta. Họ nghiêm khắc lên án chính sách xâm lược của giặc Mỹ. Họ ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta.

Nhưng Tổng thống Philíppin là Macô thì khác hẳn. Y tôn sùng tên trùm chiến tranh Giônxơn là một người vĩ đại. Y đề nghị Mỹ dùng Philíppin làm căn cứ để xâm lược Việt Nam. Y đã bán 2.000 thanh niên Philíppin sang Nam Việt Nam làm bia đỡ đạn cho Mỹ để lấy 55 triệu đôla. Y khen Giônxơn quyết định quân Mỹ cứ ở ỳ tại Nam Việt Nam là đúng. Y nói nếu Mỹ ngừng ném bom miền Bắc là sai. Y hứa sẽ gửi thêm lính sang Việt Nam.

Vì vậy thanh niên và sinh viên Philíppin gọi Macô là "bù nhìn của Mỹ" và "con quỷ của Mỹ". Báo Manila viết: "Miễn là xoay được đôla của Mỹ, việc gì Macô cũng làm được".

Thật vậy, việc xấu xa mấy Macô cũng làm được. Vâng lệnh Giônxơn, y đã ra sức chạy vạy để tổ chức cuộc hội nghị bảy nước[1] ở Manila.

Thực chất Hội nghị Manila là gì? Chỉ xem mặt những tên
đến dự hội thì đủ biết. Chúng là Giônxơn, và lũ lâu la Macô, Pắc Chung Hi, Nguyễn Cao Kỳ,... Đó lại là một trò hề hòa bình bịp bợm, do giặc Mỹ bày ra, đại khái nhằm mấy mục đích sau đây:

- Chúng sẽ đổ lỗi cho Việt Nam không muốn hòa bình.

- Mỹ sẽ ép bọn chư hầu nộp thêm lính để mở rộng chiến tranh, đồng thời để hòng "quốc tế hóa" cuộc xâm lược Việt Nam, dùng người châu Á đánh người châu Á.

- Bản thân Giônxơn cũng dùng hội nghị ấy để tuyên truyền, lừa bịp nhân dân Mỹ trong cuộc tuyển cử sắp tới ở Mỹ...

Nhưng âm mưu của chúng sẽ thất bại. Nhiều báo chí Mỹ đã vạch rõ mưu gian đó. Thí dụ báo Người hướng dẫn khoa học công giáo viết: "Dù nhắc lại đề nghị hòa bình ở Manila, nhưng ở Sài Gòn người ta lại chuẩn bị kế hoạch quân sự sắp tới...".

Tờ Thời báo Nữu Ước viết: "Mỹ tay này đưa ra đề nghị hòa bình, tay kia thì cứ giết chóc, đốt phá, ném bom, hủy hoại cây cối và mùa màng...". Rõ ràng là Hội nghị Manila nói chuyện hòa bình giả, mà chuẩn bị đẩy mạnh chiến tranh thật.

Nhân dân Mỹ và nhân dân các nước khác đã trực tiếp vạch mặt tên trùm Giônxơn. Giôn đi đến đâu cũng bị người ta nguyền rủa lút mày lút mặt.

Trước khi lên đường sang Manila, Giôn đến nhà thờ cầu Chúa bảo hộ cho y "chân cứng đá mềm", thì liền có nhiều người công giáo Mỹ chân chính biểu tình phản đối, đòi y chấm dứt ngay chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

Khi đến Hônôlulu, y vừa lếch thếch xuống máy bay, cũng liền gặp một cuộc biểu tình phản đối.

Khắp nơi nhân dân ở Tân Tây Lan và ở Úc đã hô vang những câu:

"Cho Giôn xuống địa ngục!"

"Mỹ là kẻ xâm lược!"

"Mỹ cút khỏi Nam Việt Nam!" , v.v..

Họ còn ném sơn, ném cà chua và trứng thối vào xe của Giôn. Thanh niên và các đoàn thể tiến bộ Philíppin đã quyết định phản đối Giôn một cách không kém sôi nổi.

Báo Manila Bulơtanh còn đăng tin có người muốn giết Giôn xơn.

Một vị đường đường tổng thống, mà khi đến khách sạn phải lẻn vào cửa sau. Thật là nhục nhã!

Trong lúc trùm Giôn đi vận động bọn chư hầu ở Manila thì ở Liên hợp quốc tên Gônbớc cũng múa mồm múa mép, thách Việt Nam sẽ nhường cho Mỹ cái gì, nếu Mỹ thôi không ném bom miền Bắc? Thật là giọng lưỡi của quân giặc Mỹ!

Hắn thách như vậy, khác nào sau khi cướp bóc, đập phá, giết chóc lung tung, lũ giặc nắm lấy cổ chủ nhà và đòi ông ta trả ơn cho chúng!

Câu trả lời của nhân dân Việt Nam là: "Giặc Mỹ phải cút khỏi đất nước Việt Nam trước, sau đó sẽ nói chuyện!".

NÓI THẬT

---------------------

Báo Nhân Dân, số 4584, ngày 25-10-1966, tr.4.


[1]. Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Philíppin, Nam Triều Tiên, Nam Việt Nam.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.