Hôm 29-9, nhân dân Nam Dương bắt đầu cuộc tổng tuyển cử.

Với 81 triệu nhân dân, Nam Dương là một nước to thứ 6 trên thế giới (Trung Quốc là nước to nhất với 600 triệu nhân dân). Trong số 81 triệu người, hơn 43 triệu là cử tri. Họ sẽ bầu ra hơn 260 đại biểu Quốc hội.

Nam Dương độc lập 5 năm nay, nhưng chỉ có Quốc hội lâm thời. Lần này mới có tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức. Trong 5 năm qua, Nam Dương đã thay đổi Chính phủ 6 lần.

Nam Dương chia làm 16 khu. Khu thứ 16 đang bị đế quốc Hà Lan chiếm đóng. 15 khu tự do chia làm 208 quận, có hơn 93.500 phòng bỏ thăm.

Trong nước có ba chính đảng to ra tranh cử từ tả sang hữu là: Đảng Cộng sản, Đảng Quốc gia và Đảng Hồi giáo. Ngoài ra, còn nhiều đảng nhỏ. Theo báo Mỹ thì có đến 172 đảng, vì có những chính khách chỉ một mình cũng tự xưng là một đảng.

Công đoàn và Nông hội Nam Dương rất đoàn kết và tiến bộ, họ có ảnh hưởng to trong cuộc tổng tuyển cử này.

Mong rằng anh em Nam Dương sẽ bầu cử một Quốc hội xứng đáng với dân tộc to lớn ấy; vì Quốc hội Nam Dương sẽ có ảnh hưởng nhiều đến tình hình châu Á và thế giới.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 579, ngày 3-10-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.156-157.


[1]. Tức Inđônêxia (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.