Chúng ta thi đua làm nhiều, làm nhanh là cốt tăng nhanh mức sống của nhân dân lao động và tăng nhanh tích lũy để xây dựng công nghiệp, mở mang kinh tế. Cho nên NHIỀU, NHANH phải đi đôi với TỐT, RẺ. Nếu chỉ vì nhiều, nhanh mà không nghĩ đến tốt, rẻ, thì kết quả cuối cùng vẫn là không nhiều, không nhanh. Ví dụ: Một nhà máy, nếu xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có thể dùng được 50 năm. Nhưng nếu xây dựng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, thì chỉ vài chục năm sau, nhà máy sẽ không chịu nổi sức rung chuyển của máy, và sản xuất sẽ không an toàn. Như vậy khác nào bỏ vốn xây dựng một nhà máy mà chỉ được một nửa nhà máy!

Trong công tác xây dựng cơ bản cũng như trong việc sản xuất máy móc, dụng cụ, hàng tiêu dùng, TỐT và NHIỀU vẫn luôn luôn gắn bó với nhau như vậy. Chúng ta có thể kể hàng nghìn ví dụ về điều đó. Nếu công nhân ta cố gắng làm cho tốt, thì mỗi cỗ máy, mỗi chiếc thoi, mỗi chiếc cày làm ra đều có thể dùng lâu gấp rưỡi, gấp đôi so với những thứ làm xấu. Như vậy, có thể coi như chúng ta đã tăng mức sản xuất máy, thoi, cày, v.v., lên gấp rưỡi, gấp đôi, mà không phải tốn thêm nhân công, nguyên liệu, vật liệu.

Nhiều cán bộ, công nhân ta đến nay vẫn chỉ chú ý thi đua làm nhiều, làm nhanh, mà chưa chú ý thi đua làm cho tốt. Một số người vì muốn có nhiều "thành tích", hoặc vì muốn được hưởng mức công cao, lại còn làm bừa, làm ẩu. Làm như vậy rất có hại. Hại cho sản xuất, vì trong dây chuyền sản xuất, bộ phận trước làm xấu, thì bộ phận sau gặp khó khăn. Ví dụ: Sợi xấu, thoi xấu, thì dệt chậm; than lẫn nhiều đất, đá, thì tốn nhiều công vận chuyển và công sàng... Hại cho việc xây dựng kinh tế chung vì hàng xấu thì khó bán hoặc phải bán giá rẻ, do đó xí nghiệp không có lãi, Nhà nước không tăng được tích lũy. Hại cho đời sống nhân dân, vì hàng xấu thì chóng hỏng, chóng hao, ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng. Cho nên:

Làm nhanh mà không tốt,

Có gì là vẻ vang?

Đã là người làm chủ,

Tính toán phải đàng hoàng:

Nhiều, nhanh, tốt, rẻ rõ ràng,

Lợi dân, lợi nước đôi đàng vẹn đôi.

C.K.

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 2182, ngày 9-3-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.512-513.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.