Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta ngày càng thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà. Do đó mà miền Bắc nước ta có những tiến bộ rất tốt đẹp. Vài thí dụ:

Về công nghiệp: Năm ngoái hơn 500 nhà máy và công trường hăng hái tham gia phong trào thi đua với “Duyên Hải”. Nhà máy Duyên Hải thì đã sản xuất gấp 3 lần rưỡi năm 1960 và đã hoàn thành kế hoạch trước thời hạn hơn 100 ngày.

Về nông nghiệp: 89% nông dân ta đã vào hợp tác xã. Và hơn 68% hợp tác xã đã lên toàn thôn. Nhiều hợp tác xã hăng hái thi đua với “Đại Phong” và đã đuổi kịp hoặc vượt qua Đại Phong về mặt này hoặc mặt khác. Đại Phong thì đã đạt kết quả tốt như sau: Ruộng đất mỗi người từ 3 sào 9 tăng lên 9 sào 6. Năng suất mỗi mẫu tây từ 15 tạ tăng lên 24 tạ. Lương thực bình quân mỗi người mỗi năm độ 350 kilô tăng lên 1.300 kilô…

Năm ngoái, đồng bào nông dân đã vỡ hoang được 10 vạn mẫu tây, tăng hơn năm 1960 13 lần.

Về văn hóa giáo dục: Hơn 2.300.000 trẻ em đi học từ cấp I đến cấp III. Một triệu người học bổ túc. Gần 8 vạn cán bộ và công nhân tự học lớp đại học ở cơ quan và xí nghiệp. Xã nào cũng có trường cấp I, nhiều huyện có trường cấp III. Cứ độ 3, 4 người dân thì có 1 người đi học…

Về thuần phong mỹ tục: Có những em nhi đồng gan dạ nhảy xuống nước sâu cứu bạn khỏi chết đuối. Nhiều em bé (và người lớn) không tham của rơi, nhặt được của rơi đã trả lại cho người đánh mất. Có những thanh niên đã cởi áo nhường cho những người rét dù người đó không quen biết mình. Có những công nhân xích lô đã không ngại đêm khuya gió rét luôn luôn sẵn lòng chở giúp người ốm đến nhà thương. Có nhiều cụ già không quản đầu bạc răng long luôn luôn xung phong làm những công việc nghĩa vụ…

Những thí dụ trên đây chỉ là vài đóa hoa trong vườn xuân xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng đủ chứng tỏ rằng: nhờ sự giáo dục của Đảng, nhân dân ta tiến bộ rất nhiều về mọi mặt.

Trên đà tiến bộ tốt đẹp ấy, mọi người chúng ta, bất kỳ làm việc gì, đều phải cố gắng thi đua hoàn thành nhiệm vụ, để góp phần làm cho xã hội ta đã tốt đẹp, ngày càng tốt đẹp hơn nữa.

T.L.

------------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2845, ngày 5-1-1962, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.311-312.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.